Israel không muốn Iran có khả năng hạt nhân quân sự
Thế giới - Ngày đăng : 15:33, 26/11/2013
Ngoại trưởng Anh William Hague thúc giục cộng đồng quốc tế ủng hộ thỏa thuận dù cho rằng cũng cần tìm hiểu xem tại sao vẫn có những nước phản đối nó. Ông phát biểu trước quốc hội: “Chúng tôi khuyến khích các nước, trong đó có Israel, không thực hiện những bước đi có hại cho thỏa thuận”. Ông cũng bày tỏ hy vọng các bên liên quan sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran trong vòng 1 năm.
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên án thỏa thuận là “sai lầm lịch sử”. Một nhóm quan chức Israel, do cố vấn an ninh quốc gia Yossi Cohen đứng đầu, dự kiến sẽ đến Mỹ trong những ngày tới để bàn về nội dung thỏa thuận toàn diện nói trên. Ông Netanyahu tuyên bố thỏa thuận này, nếu đạt được, phải dẫn đến kết cục là khả năng hạt nhân quân sự của Iran bị dỡ bỏ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận vẫn còn nhiều trở ngại trong việc đạt được thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran. Ảnh: BBC |
Không quá lo lắng như ông Netanyahu, công chúng Israel chào đón thỏa thuận với thái độ lạc quan hơn. Những người Israel được hỏi về thỏa thuận đều cho rằng kết quả này tốt hơn chiến tranh dù vẫn còn hoài nghi về nó. Một người dân sống tại thị trấn Kfar Saba, phía Bắc thủ đô Tel Aviv, cho rằng thế giới nên chờ thêm 6 tháng để biết được liệu nỗ lực ngoại giao có mang lại hiệu quả hay không bởi không ai muốn có chiến tranh xảy ra.
Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng biện hộ cho thỏa thuận dù thừa nhận vẫn còn nhiều trở ngại phía trước. Ông phát biểu tại một sự kiện ở San Francisco hôm 25-11: “Vẫn còn nhiều thách thức nhưng không vì thế mà chúng ta đóng sập cánh cửa ngoại giao. Chúng ta không thể loại bỏ giải pháp hòa bình cho những vấn đề của thế giới”. Lời biện hộ được đưa ra sau khi một số thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích thỏa thuận không được cứng rắn như kỳ vọng, đồng thời dọa thúc đẩy các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.
Ngay cả Ả Rập Saudi, kẻ thù của Iran ở khu vực, cũng thận trọng hoan nghênh thỏa thuận khi cho rằng đây là bước đi đầu tiên tiến đến một giải pháp toàn diện cho chương trình hạt nhân của Iran.