Chương trình phòng chống và xóa bỏ lao động trẻ em tại Hà Nội: Thực sự phát huy hiệu quả

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 26/11/2013

(HNM) - Chương trình hành động nhằm bảo vê, phòng chống và xóa bỏ lao động trẻ em (LĐTE) được thực hiện ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và xã Hiền Giang, Nhị Khê (huyện Thường Tín) - những nơi có sử dụng hơn 500 LĐTE.

Các em thiếu nhi hưởng ứng chương trình “5.000 chữ ký hướng tới mục tiêu đưa 5.000 trẻ em thoát khỏi điều kiện lao động nặng nhọc” vào năm 2013.
Ảnh: Thanh Tùng



Hơn hai năm thực hiện dự án tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và 2 xã Nhị Khê, Hiền Giang (huyện Thường Tín) có hàng trăm TE được thoát khỏi các hình thức lao động chạm khắc đá; tiện gỗ... Đáng nói, có 120 TE di cư làm việc trong và xung quanh các chợ hoặc ngành, nghề khác ở phường Phúc Xá cũng được hỗ trợ đào tạo nghề. Trường Cao đẳng nghề Hà Nội là đơn vị tổ chức dạy nghề cho 30 trẻ học nghề điêu khắc gỗ, đá với độ tuổi 15-17 tuổi, mỗi khóa kéo dài 9 tháng. Trung tâm dạy nghề Ba Đình cũng tổ chức dạy nghề nấu ăn cho 17 trẻ. Riêng xã Hiền Giang có khoảng 128 hộ, chủ cơ sở sản xuất và 750 trẻ em được tập huấn về kỹ năng sống.

Ngoài ra, chương trình cũng góp phần cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp tham gia dự án và các cơ sở làm việc tại gia đình để phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Các hoạt động phát triển sinh kế hộ gia đình cũng được thực hiện. Hai cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và điêu khắc đá được hỗ trợ trực tiếp để phát triển mẫu mã và sản xuất thử nghiệm mẫu mã mới; giúp quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp qua website để bán hàng trên mạng; hỗ trợ các tài liệu tiếp thị (thiết kế, in ấn); xúc tiến thị trường trong nước và xuất khẩu…

Nhìn lại chặng đường đã qua, Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, 100% chủ sử dụng lao động tham gia tập huấn, cam kết không sử dụng LĐTE. Các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ cải thiện điều kiện làm việc về ánh sáng, thông gió, trang bị bảo hộ lao động... Với các bậc phụ huynh, họ đã thay đổi nhận thức, hành vi về quyền trẻ em thông qua hoạt động hỗ trợ sinh kế hộ gia đình. Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, chương trình xóa bỏ lao động trẻ em đã thực sự phát huy hiệu quả tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung.

Ước tính, LĐTE chỉ chiếm 10% tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế. Song trên thực tế, các cơ quan, tổ chức mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, thực hiện hành động với những em tham gia các công việc như bán báo, đánh giày, khuân vác, lò rèn, làm việc ở làng nghề… Với các công việc cũng vất vả không kém là giúp việc gia đình, phục vụ ở hàng ăn, phục vụ ở quán bar, massage… LĐTE ở lĩnh vực này chưa được thống kê, nghiên cứu cụ thể. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục nhân rộng mô hình của chương trình, tiếp tục chung tay hành động ở các địa bàn khác để bảo vệ, ngăn ngừa, giúp đỡ LĐTE ở mọi lĩnh vực, trên mọi phương diện, để trong thời gian sớm nhất có thể xóa bỏ được vấn đề LĐTE đang nhức nhối hiện nay.

Dung Nhi