Con đường phía trước không bằng phẳng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 26/11/2013

(HNM) - Theo lịch trình đã thỏa thuận, dự kiến Việt Nam cùng một số nước tham gia sẽ kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn mới trong quá trình hội nhập đời sống kinh tế quốc tế của nước ta theo hướng tích cực và chủ động. Tuy vậy, phía trước không hẳn là con đường bằng phẳng…

Chủ động lựa chọn cơ hội mới

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, gia nhập TPP có ý nghĩa rất quan trọng, là mục tiêu để nỗ lực đạt được của nước ta. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai công tác chuẩn bị cũng như tham gia đàm phán trên tinh thần làm chủ tình hình. Quá trình đàm phán đang diễn ra khá thuận lợi, theo đúng mục đích của Việt Nam. Đáng lưu ý, 12 nước tham gia đàm phán TPP hiện chiếm 30% tổng giá trị thương mại toàn cầu và điều đó chứng tỏ tổ chức này luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy hoạt động thương mại nội khối cũng như nỗ lực đưa ra những biện pháp để bảo đảm cho các nước thành viên có điều kiện mở rộng quy mô xuất nhập khẩu.

Cơ hội lớn nhất cho Việt Nam sau khi TPP được ký kết là sự thuận lợi cho DN về thị trường xuất khẩu. Bởi, TPP chủ trương hướng đến tự do thương mại toàn diện nên 100% thuế sẽ dần được xóa bỏ, trong đó trên 90% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế, từ đó phát huy được nội lực, tạo thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, việc tuân thủ những cam kết trong khuôn khổ TPP sẽ trở thành động lực để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện môi trường thể chế; từ đó tăng tính hấp dẫn đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa.


Nhiều thách thức

TPP cũng sẽ gây ra một số khó khăn cho DN Việt Nam, bởi những đòi hỏi khắt khe, sự rõ ràng về xuất xứ hàng hóa; trong đó đối với từng ngành sẽ có những tác động, ảnh hưởng khác nhau. Riêng với ngành dệt may - vốn là ngành có kim ngạch xuất khẩu rất lớn, cần đề phòng một số bất lợi để có phương án đối phó. Cụ thể, TPP dự định sẽ áp dụng quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi" tức là DN phải sử dụng sợi có xuất xứ trong nước hoặc nhập khẩu từ một thành viên thuộc TPP để được hưởng thuế suất xuất khẩu bằng 0%. Nhưng, đến nay DN trong nước vẫn thường xuyên nhập khẩu khoảng 70% nguyên, phụ liệu để làm hàng xuất khẩu từ các nước không thuộc TPP. Điều đó nghĩa là DN Việt Nam không được hưởng ưu đãi thuế là 0%, từ đó sẽ mất lợi thế trong cạnh tranh so với sản phẩm của nước khác. Thực tế còn ghi nhận một dấu hiệu đáng ngại là, hiện nhiều DN trong nước chưa có phản ứng tích cực hay thể hiện sự sẵn sàng đầu tư để khép kín dây chuyền từ sản xuất sợi đến sản phẩm may hoàn chỉnh. Các chuyên gia dự đoán, với thực lực tài chính hạn hẹp của mình thì nhiều DN nội chưa thể thực hiện mục đích trên trong một sớm một chiều; nhưng thời cơ vẫn bỏ ngỏ và các đơn vị trong nước vẫn có cơ hội cũng như phải chấp nhận sẽ thực hiện từng bước. Bên cạnh đó, hàng thủy sản xuất khẩu của ta cũng bị "soi" kỹ hơn từ các nước nhập khẩu thuộc TPP…

Trước tình hình đó, Bộ Công thương khuyến nghị DN nên tập trung nguồn lực để trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại, từ đó sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của TPP; nâng cao trình độ kiểm tra chất lượng sản phẩm kết hợp cải thiện năng lực quản trị và công tác nắm bắt thị trường, xúc tiến thương mại nhằm bảo đảm đầu ra cho hàng xuất khẩu. DN Việt cũng nên kịp thời thành lập bộ phận chuyên trách về pháp lý, tìm hiểu quy định quốc tế, thậm chí có phương án đối phó hoặc thuê luật sư bảo vệ khi xảy ra khiếu kiện hay bị đối xử bất bình đẳng. Cộng đồng DN cũng cần thắt chặt mối liên kết nội địa, chủ động tham gia sâu và đảm nhận một phần trong chuỗi giá trị sản xuất trong nước để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Điều đó vừa góp phần gia tăng doanh thu vừa nâng cao giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm xuất khẩu.

Hồng Sơn