Lời nói chẳng mất tiền mua...

Chính trị - Ngày đăng : 11:14, 29/06/2004

Mọi người nhận xét em tốt bụng, chân thành, chỉ phải mỗi tính “phổi bò, ruột ngựa” nên hay làm mếch lòng người khác. Trong gia đình cũng vậy, mặc dù rất yêu và tôn trọng vợ, nhưng nhiều lúc bốc đồng hoặc không kìm giữ được mình, những cử chỉ, lời nói dù chỉ mang tính chất đùa của em đã vô tình xúc phạm cô ấy. Bây giờ thì cô ấy ra “tối hậu thư”: nếu không sửa được thì em và cô ấy sẽ phải chia tay… Sao mà phụ nữ rẳc rối thế cơ chứ, nhưng bây giờ em phải làm thế nào bây giờ? Đăng Bình - Q. Ba Đình, Hà Nội

- Mọi người nhận xét em tốt bụng, chân thành, chỉ phải mỗi tính “phổi bò, ruột ngựa” nên hay làm mếch lòng người khác. Trong gia đình cũng vậy, mặc dù rất yêu và tôn trọng vợ, nhưng nhiều lúc bốc đồng hoặc không kìm giữ được mình, những cử chỉ, lời nói dù chỉ mang tính chất đùa của em đã vô tình xúc phạm cô ấy. Bây giờ thì cô ấy ra “tối hậu thư”: nếu không sửa được thì em và cô ấy sẽ phải chia tay… Sao mà phụ nữ rẳc rối thế cơ chứ, nhưng bây giờ em phải làm thế nào bây giờ?

Đăng Bình - Q. Ba Đình, Hà Nội

- Nhạy cảm và dễ tổn thương - đó là những điểm yếu của người phụ nữ, vì thế họ mới cần tới sự trợ giúp của người đàn ông trong cuộc sống, nhưng đồng thời đó cũng là điểm mạnh của người phụ nữ, vì những tính cách đó có sức cuốn hút người khác giới. Chắc hẳn anh cũng như nhiều chàng trai khác chẳng thích người phụ nữ nào to khoẻ như Héc-quyn, ăn to nói lớn, chai lỳ như gỗ đá… Anh cũng ý thức được tính xấu của mình, đã làm mếch lòng nhiều người, tức là tính “phổi bò, ruột ngựa” của anh khá nặng rồi, cần phải sửa đổi chứ không phải bởi phụ nữ rắc rối đâu.

Người ta thường khó kìm hãm cử chỉ, hành vi, lời nói của mình nhất là khi trạng thái tinh thần ở mức độ không bình thường (phấn khích cao độ) bởi quá vui, quá buồn, quá thất vọng, quá bực tức… và đặc biệt là quá say xỉn. Đó cũng chính là những thời điểm bạn cần tỉnh táo để kiềm chế mình. Những lời chế giễu, chỉ trích người khác trước đám đông là điều tối kỵ. Nhiều cặp vợ chồng lại thường hay phô bày những khuyết điểm, yếu kém của nhau ra làm trò mua vui. Nếu những khuyết điểm được nói bằng những lời dí dỏm, hài hước và chỉ với tần số ít trong phạm vi hẹp sẽ giúp mọi người vui vẻ, nhưng nếu khuyết điểm được nhắc đi nhắc lại, nói quá thẳng hoặc những lời lẽ chỉ trích chua cay, mạt sát, mắng mỏ... thì anh đã làm tổn thương nghiêm trọng đến đối tượng, và làm cho những người chứng kiến cũng cảm thấy bối rối, khó chịu. Nhiều người còn hay đem những điểm yếu của người thân ra so sánh với những người khác, nào là “cô ấy đảm đang, tháo vát như thế chứ”, “mẹ sề nhà mình thì chỉ đáng xách dép cho mấy cô hoa hậu kia”… nhưng điều tồi tệ nhất nếu lại hay so sánh với người yêu cũ, vợ cũ… sẽ làm cho vợ thường xuyên bất mãn, bực tức.

Chẳng cứ nữ giới mà bất kỳ một ai cũng dễ bị tổn thương nên càng không nên nói cho thỏa cơn tức, cho "sướng mồm" để ảnh hưởng đến người khác. Những lời nói cay độc, mỉa mai, khích bác nhiều khi còn gây ra những xung đột khó có thể hòa giải.

Không một ai trong chúng ta là người hoàn hảo, chính vì vậy, một thái độ chân thành, một lời nói góp ý động viên chí tình chí lý sẽ làm người khác nhận ra khuyết điểm và dễ sửa chữa hơn. Một lời nhận xét vô ý, thiếu sáng suốt, không cân nhắc kỹ có thể làm hại người khác cả đời. Chẳng thế mà các cụ có nhiều câu triết lý về tầm quan trọng trong lời ăn tiếng nói của con người như: “Một lời nói - một gói vàng”, “Một lời nói - một đọi máu”, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Lời nói nặng nghìn cân”, “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”… để nhắc nhở những người “phổi bò, ruột ngựa” như bạn cẩn thận nếu không muốn ngườikhácmếch lòng, không muốn “tối hậu thư” của cô ấy thành sự thực.

Chia sẻ cùng bạn

THUHANG