Hài hòa lợi ích, bảo đảm nguồn thu ngân sách
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 26/11/2013
Mức giá tối đa 81 triệu đồng/m2
Điểm nổi bật tại Tờ trình là UBND TP Hà Nội đề xuất cơ bản giữ nguyên giá các loại đất so với năm 2013, trong đó, đất nông nghiệp và giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cơ bản giữ nguyên giá đất năm 2013. Điều chỉnh giá đất nông nghiệp của 5 xã vùng trung du huyện Sóc Sơn từ 84 nghìn đồng/m2 lên bằng mức tối đa khung giá của Chính phủ là 105 nghìn đồng/m2.
Lợi ích của người sử dụng đất được đặc biệt chú trọng khi xây dựng bảng giá đất năm 2014. Ảnh: Huy Hùng |
Về giá đất ở tại các quận, sau khi bổ sung, điều chỉnh, giá đất tại các quận tối thiểu khoảng 3,4 triệu đồng/m2 (đường vào UBND phường Dương Nội, Hà Đông). Mức giá tối đa là 81 triệu đồng/m2 (gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Đất tại thị trấn các huyện có giá tối thiểu là 750 nghìn đồng/m2; giá tối đa là 27,6 triệu đồng/m2. Giá đất ở khu vực giáp ranh với các quận (thuộc huyện: Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Hoài Đức) tối thiểu là hơn 2 triệu đồng/m2; giá tối đa là 32,4 triệu đồng/m2.
Theo đề nghị của UBND các huyện: Chương Mỹ, Thanh Trì, Đông Anh, Mỹ Đức, Mê Linh, Gia Lâm, sau khi xem xét, điều chỉnh, bổ sung, giá đất ở các khu vực đầu mối giao thông có giá tối đa là 11,2 triệu đồng/m2 và tối thiểu là 450 nghìn đồng/m2. Ở khu dân cư nông thôn, đối với các xã có mức giá vượt khung tối đa của Chính phủ, đề nghị giữ nguyên bảng giá năm 2013; có điều chỉnh cục bộ phân loại một số xã, trong đó mức giá tối thiểu là 400 nghìn đồng/m2, tối đa khoảng 2,2 triệu đồng/m2. Thành phố cũng bổ sung bảng phụ lục giá đất các khu đô thị, khu đấu giá, khu tái định cư đã đưa vào sử dụng, với các đường trong khu chưa đặt tên, giá sẽ tương đương với giá đất của các đường, phố có điều kiện thuận lợi, khả năng sinh lời tương tự trong khu vực.
Chú trọng lợi ích của người sử dụng đất
Theo đánh giá của các quận, huyện, thị xã, mức giá đất năm 2013 do thành phố ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương. Kết quả điều tra về giá chuyển nhượng đất tại các địa phương cho thấy, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường năm 2013 so với năm 2012 thấp hơn 10-15% và có xu hướng tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, năm 2013 mặc dù giá đất ban hành đã bằng mức vượt khung giá đất tối đa của Chính phủ quy định, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn giá đất giao dịch trên thị trường. Đáng chú ý, đối với đất ở, số lượng giao dịch giảm mạnh, thị trường trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, giá đất khu vực giáp ranh giữa thị trấn và khu dân cư nông thôn còn có sự chênh lệch, giá đất tại các khu nông thôn cách xa trung tâm còn thấp hơn so với giá bồi thường, hỗ trợ của đất nông nghiệp trong cùng khu vực. Đất một số khu vực đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội cũng cần điều chỉnh lại giá cho phù hợp. Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, thực tế phần lớn các đơn vị sử dụng đất đều lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê hằng năm và hầu hết các doanh nghiệp cho rằng giá cho thuê đất còn cao trong cơ cấu chi phí sản xuất kinh doanh.
Tuân thủ các quy định của pháp luật và nhằm khắc phục dần những hạn chế của bảng giá đất năm 2013, UBND TP Hà Nội kỳ vọng bảng giá đất năm 2014 sẽ kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và người có nhu cầu sử dụng đất, trong đó lợi ích của người sử dụng đất được đặc biệt chú trọng. Đồng thời giúp tăng cường quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả hơn, góp phần giảm dần tình trạng đầu cơ về đất. Còn theo nhận định của các chuyên gia, giá các loại đất năm 2014 sẽ giúp bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các nguồn thu từ đất - nguồn thu chính của thành phố đang có nguy cơ sụt giảm.