Nhóm P5+1 và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân: Con đường đến chân trời mới

Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 26/11/2013

(HNM) - 30 năm căng thẳng triền miên và 8 năm đàm phán bế tắc đã được khép lại bằng thỏa thuận mang tính lịch sử. Một chương mới trong

Các đối tác tham gia đàm phán hạt nhân Iran chia sẻ niềm vui sau thỏa thuận lịch sử.



Không biết đã bao nhiêu lần đến rồi đi trong thất vọng, vòng đối thoại mới nhất tại Geneva (Thụy Sĩ) đã kết thúc trong bầu không khí cởi mở và tin cậy hơn, điều đã thiếu vắng rất lâu trong mối quan hệ bão táp giữa Iran và phương Tây. Cam kết chỉ làm giàu uranium ở ngưỡng 5% và sẽ tháo dỡ các thiết bị làm giàu uranium trên mức này, Tehran cũng tuyên bố sẽ vô hiệu hóa kho dự trữ uranium đã được làm giàu đến mức 20%, cấp độ có thể dẫn tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Đối lại sự mềm dẻo được chờ đợi, P5+1 khẳng định sẽ không áp đặt thêm các trừng phạt mới, nới lỏng một số lệnh cấm vận cũ có thể khơi thông tới 4,2 tỷ USD doanh thu từ bán dầu cho Iran. Cho dù thời hạn để thực hiện thỏa thuận chỉ diễn ra trong 6 tháng, nhưng đặt trong bối cảnh của mối hiềm khích nặng nề kéo dài nhiều năm qua, chuyển động mới nhất có thể được xem là một bước tiến dài trên hành trình hòa hợp đầy trắc trở giữa Iran và phương Tây. Dấu mốc quan trọng vừa đạt được cũng đặt nền tảng đầu tiên để các bên liên quan tin tưởng vào việc sẽ có cơ hội tiếp tục tìm kiếm một giải pháp toàn diện hơn.

Những nụ cười, những cái bắt tay thật chặt và niềm vui hiện rõ trên gương mặt các đối tác tham gia cuộc đối thoại hạt nhân. Trái với không gian lạnh nhạt của các vòng đàm phán vốn luôn bị bao vây bởi những ánh mắt ngờ vực, những cái nhìn dò xét và sự quay lưng không chút tiếc nuối, cuộc gặp ở Geneva đã mang một màu sắc hoàn toàn khác biệt. Quan trọng nhất, cuộc thỏa hiệp hạt nhân đã thể hiện rõ sự chuyển hướng chiến lược của cả Mỹ, phương Tây và quốc gia Hồi giáo trong một vấn đề từng được xem sẽ đẩy cả hai bên vào một cuộc chiến tranh tàn khốc.

Như vậy để thấy rằng, những nỗ lực nhằm tháo ngòi nổ xung đột âm ỉ tại Trung Đông đã đem lại chiến thắng cho tất cả các bên. Đặc biệt là với chính quyền Tổng thống Barack Obama. Vượt qua "điều cấm kỵ" lớn nhất trong quan hệ luôn dư thừa thù địch giữa hai nước, cuộc điện đàm mang tính đột phá với người đồng nhiệm Iran Hassan Rouhani hồi tháng 9 đã gieo mầm cho thành quả ngoại giao hôm nay. Ngay sau cú phá băng khó ngờ, những động thái nhằm làm tan dần bầu không khí lạnh giá Mỹ - Iran đã được thúc đẩy với tốc độ dồn dập. Bất chấp sự phản đối gay gắt của những đồng minh then chốt tại khu vực như Israel và Saudi Arabia, sự xích lại gần Iran đã phản ánh cách tiếp cận mới của Washington. Thay vì can dự thô bạo, chính quyền Tổng thống B.Obama đã lựa chọn con đường ngoại giao hợp tác. Chấp nhận quyền làm giàu uranium ở mức 5% của Iran - điều tưởng như không bao giờ có thể xảy ra, Mỹ đã tạo cho Tehran lối đi dù còn rất hẹp để quay về với đối thoại chính trị. Sự trở lại của nước Cộng hòa Hồi giáo không chỉ khiến Mỹ tạm gác lại mối lo về một chiến trường mới tại Trung Đông mà còn mở ra cơ hội để giải quyết nhiều ngổn ngang tại khu vực địa chính trị trọng yếu này. Là một quốc gia có ảnh hưởng tại "rốn dầu" của thế giới, chung đường biên giới với Afghanistan, sự gần gũi với Iran gần như sẽ là bảo đảm sống còn để Washington có được thành công cuối cùng trong vấn đề Syria và bình ổn quốc gia Nam Á thời hậu chiến. Trên tất cả, mong muốn biến thù thành bạn của Tổng thống B.Obama đang mang đến hy vọng rằng Mỹ sẽ có cách thức xử lý "không giống trước" trong cuộc xung đột dai dẳng Israel-Palestine cũng như nhiều vấn đề còn tồn tại ở khu vực.

Với Iran, cú xoay chuyển tình thế đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và người dân nước này vào chính quyền mới với đường lối đối ngoại mềm mại, ôn hòa hơn. Nhậm chức trong điều kiện nền kinh tế chìm sâu vào suy thoái như hậu quả của các lệnh trừng phạt, ông H.Ronhani có quá nhiều việc phải làm để vực dậy một đất nước với tỷ lệ thất nghiệp 28%, lạm phát hai con số hiện đã lên đến 44% và thâm hụt ngân sách khoảng 28 tỷ USD. Ai cũng hiểu rằng, mọi cố gắng chèo chống của vị tổng thống mới sẽ là muối bỏ bể nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây không được nới lỏng. Do vậy, nhiệm vụ chấn hưng nền kinh tế sẽ không thể tách rời tiến trình đàm phán cam go ở Geneva.

Một sự khởi đầu tốt đẹp đang làm hồi sinh niềm tin vào tương lai như Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nói: Sự đồng thuận tại Geneva đã tạo cơ hội để kết thúc cuộc khủng hoảng không cần thiết và mở ra những chân trời mới.

Vân Khanh