Ngang nhiên vi phạm về đất đai và TTXD
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:02, 25/11/2013
Dãy nhà mọc trên đất công ở ngõ 270. |
Ngõ 270 (đường Nguyễn Xiển) có độ rộng chỉ khoảng 2m, bám theo bờ ao "ông Thành", chạy sâu hun hút vào bên trong. Trong vai người đang tìm hỏi mua nhà, một người dân ở đây "chào hàng" với phóng viên: Tôi xây nhà cách đây 2 năm trên phần đất mương do xã Tân Triều (Thanh Trì) và phường Hạ Đình (Thanh Xuân) quản lý. Vì là đất công, lại giáp ranh, việc quản lý có phần lỏng lẻo nên việc xây nhà không quá khó khăn. Phía đầu ngõ đang có một số nhà sửa chữa, nhiều hộ đã cơi nới thành nhà 2 tầng... Cách đó không xa, ngõ 214 (đường Nguyễn Xiển) cũng nằm trong tình cảnh tương tự bởi hàng chục ngôi nhà dựng trên đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đất ở đây "cài răng lược" giữa phường Hạ Đình và xã Tân Triều, càng sâu trong ngõ càng thấy nhiều nhà tạm, lợp mái tôn, cá biệt có một số nhà 2 tầng khang trang, kiên cố. Tại ngách 55, ngõ 214 có một ngôi nhà 2 tầng đang xây dở dang và 2 ngôi nhà mới hoàn thiện, đang được rao bán với giá từ 300 đến 500 triệu đồng.
Thừa nhận về thực trạng trên, ông Hoàng Trọng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: Khoảng năm 1997, xã Tân Triều chuyển đổi 27ha đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Hầu hết các hộ được giao đất làm trang trại và nuôi trồng thủy sản đều xây nhà tạm, chuồng trại để nuôi lợn, gà. Khi đường Vành đai 3 thi công (khoảng năm 2001), các hộ nuôi trồng thủy sản chuyển sang dịch vụ làm hồ câu nên có thêm một số lều, lán dựng lên. Năm 2007, UBND thành phố có quyết định thu hồi 36,5ha đất ở xã Tân Triều và phường Hạ Đình để thực hiện dự án (DA) Khu đô thị mới Tây nam Kim Giang I, trong đó 27ha nuôi trồng thủy sản của xã Tân Triều nằm gọn trong DA này. Từ những căn chòi, lều lán… dần dần đã chuyển hóa thành nhà nên hiện khu vực này có khá đông dân cư và người dân tự đặt số ngõ, số nhà.
Theo số liệu thống kê của xã Tân Triều, tính đến tháng 4-2013 tại phần đất của DA Tây nam Kim Giang I đã có 197 căn nhà. Trong những năm gần đây, nhiều ngôi nhà đã bị UBND xã Tân Triều cưỡng chế phá dỡ đến 3, 4 lần nhưng cuối cùng công trình vẫn được hoàn thiện. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2013, trên địa bàn toàn xã đã có 42 trường hợp bị cưỡng chế phá dỡ; riêng khu vực thuộc DA nêu trên có 4 trường hợp và một số vi phạm đã thiết lập xong hồ sơ nhưng chưa có lực lượng để thực hiện.
Trả lời thắc mắc tại sao đều là những công trình vi phạm, nhưng hầu hết các hộ vẫn được lắp đồng hồ điện, nước riêng, ông Đức cho biết: "Khi các hộ lắp đồng hồ điện, nước không qua UBND xã xác nhận
nên xã không biết"!? Thời gian qua, người dân khu vực này được giao đất theo Nghị định 64/CP đã thực hiện kê khai để nhận bồi thường, hỗ trợ, vì vậy ai mua nhà, đất ở đây sẽ trắng tay khi DA triển khai. Thực trạng trên bắt nguồn từ việc một số đối tượng xã hội "đen" tranh thủ lúc DA chưa thu hồi đất đã xây nhà để bán nên việc cưỡng chế gặp nhiều khó khăn, chưa kể nhiều đối tượng còn nhắn tin đe dọa hay bám theo cán bộ về tận nhà sau mỗi lần cưỡng chế…