Dấu chấm hết về “vùng tự do” ngàn đời?
Thế giới - Ngày đăng : 06:16, 25/11/2013
Bắc Cực đang là tâm điểm cạnh tranh của nhiều cường quốc trên thế giới. |
Tại Diễn đàn an ninh ở Canada cuối tuần qua, Washington lần đầu tiên công bố chiến lược của Mỹ tại Bắc Cực. Phát biểu tại hội nghị an ninh này, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết, quân đội Mỹ đang xem xét các kế hoạch dài hạn để thích ứng với tình trạng khí hậu đang ấm lên ở Bắc Cực và khẳng định Washington sẽ thi hành chủ quyền và bảo vệ quyền tự do đi lại tại xứ Băng giá. Bộ trưởng C.Hagel kêu gọi 8 quốc gia bao quanh Bắc Băng Dương (Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và Island) cùng "hợp tác, xây dựng một khu vực an toàn và hòa bình". Chiến lược của Mỹ được thông báo hai tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin (vào tháng 9 năm nay) tuyên bố có ý định cho hoạt động trở lại một căn cứ quân sự trên vùng băng giá này để theo dõi hoạt động trên con đường hàng hải được cho là đã dễ dàng hơn do hệ quả của "hiệu ứng nhà kính".
Từ những năm 1970, băng đang tan dần ở Bắc Cực. Vùng biển xưa nay không thể đi qua và được bao quanh bởi những vùng hoang vu hẻo lánh đang biến thành một địa thế hoàn toàn khác: Nó sắp trở thành một trung tâm kỹ nghệ và thương mại tương tự như Địa Trung Hải. Lớp băng và ranh giới đang tan của Bắc Cực dự báo con đường dẫn tới kho tài nguyên thiên nhiên khổng lồ với ước tính gần một phần tư trữ lượng dầu khí chưa được khám phá và các mỏ khoáng sản quý chưa thể đong đếm của thế giới. Năm 2008, theo các khảo sát địa chất của các nhà nghiên cứu Mỹ, Bắc Cực chiếm tới 13% lượng dầu chưa khai thác của thế giới, 30% lượng khí đốt tự nhiên và 20% khí gas dạng lỏng tự nhiên. Nói cách khác, có khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1.660 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên và 44 tỷ thùng khí tự nhiên đang “ngủ đông” dưới lớp băng lạnh giá nơi đây. Theo dự báo, chỉ trong ngót nửa thế kỷ nữa, vào mùa hè, 80% diện tích Bắc Băng Dương không còn phủ băng và như thế sẽ rút ngắn được hàng ngàn dặm trong một hải trình giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Điều này khiến Bắc Cực hứa hẹn trở thành một hành lang trọng yếu cho vận tải đường biển toàn cầu. Những lợi ích tiềm năng về thương mại và giao thông vận tải thông qua Bắc Cực thậm chí được đánh giá lớn hơn cả kênh đào như Suez.
Rõ ràng, nguồn tài nguyên thiên nhiên cùng những tuyến đường vận tải hàng hải mới qua Bắc Cực đã khiến các cường quốc như Mỹ, Nga và cả Trung Quốc... không thể bỏ qua. Trung Quốc là quốc gia Châu Á đầu tiên cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ và nỗ lực để trở thành một thành viên chính thức của "Hội đồng Bắc Cực". Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Putin đã mô tả Bắc Cực có vai trò tối quan trọng cho an ninh và kinh tế của Nga và đã bố trí nhiều lực lượng quân sự ở khu vực này. Trước những động thái của các cường quốc Nga, Trung Quốc, Mỹ dường như đang sốt ruột và buộc phải nhanh chóng tuyên bố chủ quyền ở vùng giàu tài nguyên này. Bởi bên cạnh việc hưởng lợi từ hàng hải và khai thác tài nguyên của Bắc Cực thì những thách thức về chủ quyền cũng như tầm quan trọng của khu vực này có ảnh hưởng lớn đến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Từ 5 năm nay, Mỹ đã bố trí một lực lượng quân sự gồm 22.000 binh sĩ và 5.000 vệ binh tại bang Alaska cùng với nhiều tàu ngầm nguyên tử và phi cơ vận tải C-130.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra đã làm dấy lên lo ngại rằng, việc mỗi cường quốc tự tuyên bố chủ quyền tại xứ Băng giá có thể sẽ là dấu chấm hết về một "vùng tự do" ngàn đời; đồng thời đặt vùng này đứng trước một nguy cơ tranh chấp chủ quyền như đang diễn ra ở Biển Đông, Biển Hoa Đông hay nhiều khu vực khác trên thế giới. Nhưng kế hoạch của Mỹ là không chủ trương tăng quân số để tránh tạo ra một cuộc leo thang quân sự. Cường quốc số một thế giới đánh giá rằng, Bắc Cực hiện là khu vực có nguy cơ quân sự tương đối thấp, nơi các quốc gia đã thể hiện thiện chí tuân thủ luật pháp quốc tế. Thế nên, xứ Cờ hoa cùng với tuyên bố sẽ khẳng định chủ quyền cũng lên tiếng trấn an dư luận rằng sẽ theo đuổi "các cách tiếp cận an ninh mang tính hợp tác" với các quốc gia để ngăn ngừa căng thẳng tiềm tàng.