Minh chứng cụ thể cho vai trò hạt nhân lãnh đạo

Chính trị - Ngày đăng : 06:12, 25/11/2013

(HNM) - Cách đây 75 năm, ngày 26-11-1938, 4 quần chúng tích cực ở xã Yên Trường đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Liên được chỉ định làm Bí thư.



Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Chương Mỹ được thành lập, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong phong trào cách mạng của địa phương. Cho tới hôm nay, trở thành một huyện ven đô Hà Nội với diện tích 232km2, dân số hơn 30 vạn người, Chương Mỹ không ngừng thay da đổi thịt trên con đường phát triển chung của Thủ đô thì đó là mốc thời gian không thể nào quên.

Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt


Truyền thống hào hùng

Các đảng viên ở xã Yên Trường đã tích cực phát triển ảnh hưởng, hình thành phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng, làm cơ sở cho sự ra đời các tổ chức Đảng ở Nam Hài, Tiến Tiên, Đại Phẩm vào những năm 1942-1943. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng, phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật ở Chương Mỹ đã bùng lên mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Chỉ trong vòng 8 ngày (từ đêm 16-8 đến ngày 24-8-1945) các chi bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân toàn huyện lật đổ bộ máy bù nhìn, tay sai của chế độ thực dân - phong kiến, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân từ huyện tới xã, thôn.

Nếu như những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (tháng 12-1946) toàn huyện Chương Mỹ chỉ có 4 chi bộ Đảng thì tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất (tháng 3-1947), Chương Mỹ đã có 173 đảng viên ở 28 tổ chức cơ sở Đảng. Và tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ hai (năm 1949), toàn Đảng bộ đã có 978 đảng viên. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Chương Mỹ đã kiên cường bám trụ giữ đất, giữ làng, đào đắp hàng chục kilômét giao thông hào, xây dựng trên 10 nghìn hầm chiến đấu, hầm bí mật, nuôi giấu bộ đội và du kích; hình thành hàng chục làng chiến đấu, trong đó xã Hòa Chính được Liên khu 3 công nhận là "Làng kháng chiến kiểu mẫu"; quyên góp cho nhà nước 495 chỉ vàng và hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm; góp phần cùng quân và dân cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Bước sang giai đoạn mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ cùng với cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc XHCN và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với truyền thống "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", toàn huyện đã huy động trên 55.000 lượt người nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, dân quân du kích (chiếm 40% dân số). Tính từ năm 1965 đến năm 1975, toàn huyện đã đóng góp 44.415 tấn lương thực, 4.462 tấn thực phẩm, quyên góp tiền mặt, quần áo, tư trang cho bộ đội; đóng góp của cải cho cuộc kháng chiến chiếm hơn 10% tổng thu nhập của toàn huyện.

Trong các cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân huyện Chương Mỹ vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 28.866 Huân, Huy chương kháng chiến và Huân chương chiến công các hạng; 12.860 Bảng gia đình vẻ vang và Bảng vàng danh dự; 645 Bằng khen của Chính phủ; 128 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Đặc biệt, Đảng bộ, nhân dân và LLVT huyện Chương Mỹ cùng 7 xã (Trường Yên, Đại Yên, Hòa Chính, Trần Phú, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tiên Phương) đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Những đổi thay hôm nay

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ năm 2010 tới nay của Chương Mỹ đã đạt 11,9%/năm. Năm 2013, mặc dù tiếp tục chịu những áp lực của tình trạng suy thoái kinh tế, Chương Mỹ vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, ước đạt 11,5%. Cụ thể, tổng sản lượng lương thực toàn huyện ước đạt 125.102 tấn (100,4% kế hoạch năm); giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 2.511 tỷ đồng (tăng 3,9% so với cùng kỳ); chăn nuôi đạt 1.526 tỷ đồng (tăng 9,2% so với cùng kỳ)… Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 11,3% so với cùng kỳ. Hai xã trong toàn huyện có 100% số làng được công nhận làng nghề; 32/32 xã, thị trấn đều có ngành nghề, 34 làng được công nhận làng nghề; một khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp trên địa bàn đã thu hút gần 400 DN vào hoạt động, đầu tư sản xuất… Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn cơ bản ổn định, giá trị sản xuất tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Về xây dựng nông thôn mới, tính tới thời điểm này, Thụy Hương là xã được trung ương và thành phố chọn làm điểm đã đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã đạt 17-18 tiêu chí, 19 xã đạt 12-15 tiêu chí, 8 xã đạt từ 9-11 tiêu chí. Xác định công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là tiền đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, trong hai năm 2012-2013, huyện đã tập trung dồn điền đổi thửa đạt 198,6% kế hoạch thành phố giao; từ đó từng bước cơ giới hóa nông nghiệp và triển khai nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như: Chăn nuôi tập trung ở xã Hữu Văn; trồng cây ăn quả ở Trần Phú; chăn nuôi kết hợp thủy sản ở Lam Điền, Hoàng Diệu…Với kết quả đó, Chương Mỹ phấn đấu đến năm 2015 có 18 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và toàn huyện hoàn thành công tác này vào năm 2020.

Để phát triển bền vững thì tăng trưởng kinh tế không thể tách rời với phát triển văn hóa, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống, thực hiện công bằng xã hội, những năm qua huyện Chương Mỹ đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng xã hội. Nhiều công trình phục vụ dân sinh như trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà văn hóa, các dự án bảo vệ môi trường, xây dựng đường giao thông, trùng tu các di tích lịch sử… đã được triển khai thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được củng cố và giữ vững.

Những kết quả nêu trên có được là do sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất, chung sức chung lòng, biến ý chí thành hành động cách mạng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ. Việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và năng lực nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ đã có những bước chuyển rõ nét bắt đầu từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng, vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng. Đó cũng chính là kết quả của việc thực hiện nghiêm túc và quyết liệt nội dung của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là nền tảng để người dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Những đổi thay trên quê hương Chương Mỹ suốt 75 năm qua là minh chứng cho bài học đó.

Nếu như năm 2008, tổng giá trị sản xuất kinh tế trên địa bàn huyện Chương Mỹ đạt trên 3.140 tỷ đồng thì đến năm 2012 tăng lên 4.491 tỷ đồng. Hằng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn huyện đạt trên 11%; trong 5 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2,4 lần (từ 8,8 triệu đồng năm 2008, năm 2013 ước đạt 19,7 triệu đồng/ người/năm); tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 3% đến 5%, hiện chỉ còn 5,6%...

Nguyễn Thị Tuyến