Giải pháp “hai trong một” và ý nghĩa của sự phối hợp

Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 25/11/2013

(HNM) - Vài tháng trước, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) có cuộc hội thảo về mối quan hệ giữa điện ảnh và du lịch. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ một hoạt động lớn về điện ảnh và trong cuộc hội thảo đó các chuyên gia đưa ra nhận định rằng: mối quan hệ nói trên chưa được duy trì ở mức cần.



Nói thẳng ra là điện ảnh chưa hỗ trợ tốt cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch. Đó là mối quan hệ lỏng lẻo, đường ai nấy đi, thậm chí có người gọi là "đồng sàng dị mộng". Phía điện ảnh nhanh chóng thừa nhận thực trạng, phân tích nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp, có ý cho rằng yếu kém là do vấn đề kinh phí. Đại ý là làm phim quảng bá di sản văn hóa, phục vụ du lịch tốn kém lắm, cái khoản "đầu tiên" mà thiếu trước hụt sau thì khó nói chuyện phim hay, phim tốt.

Cuối tuần qua, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, du lịch lại được nhắc đến như một yếu tố quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Truyền thông đưa đậm về các hoạt động liên quan tới di sản văn hóa Việt Nam, công tác bảo tồn, trong đó có ý kiến cho rằng không nên "tận diệt" di sản qua việc khai thác nguồn tài nguyên văn hóa một cách thái quá. Ngày di sản văn hóa mà nói về bảo tồn di sản văn hóa, không tránh khỏi việc "đổ lỗi" cho du lịch, có gì đó giống với điều người ta thường nói là "ăn cây nào rào cây ấy". Dễ hiểu là phải "bênh" di sản hơn rồi.

Thế nhưng, cũng trong những ngày qua, lại có ý kiến xuất phát từ góc độ phát huy giá trị di sản, cho rằng cần phải "lấy di sản để nuôi di sản". Ý là phải tìm cách thúc đẩy việc quảng bá, mời gọi du khách gần xa, phát huy giá trị di sản bằng nhiều cách, trong đó du lịch giữ vai trò quan trọng hàng đầu.

Cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề theo hướng nói trên không hẳn là sa lầy trong cái gọi là thuật ngụy biện, nhưng rõ ràng có bóng dáng của sự cường điệu hóa những vấn đề không mang tính cơ bản, tuyệt đối hóa vai trò của một yếu tố mà quên đi những yêu cầu cần có khác. Tốt hơn cả là giới hạn sự đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sự việc, các mặt công tác trong mối liên hệ qua lại với nhau, từ đó xác định hạn chế của từng mặt, tìm giải pháp mang tính tổng thể. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, muốn đạt hiệu quả thì không thể coi nhẹ mối quan hệ giữa ngành văn hóa và du lịch, không thể không tìm cách thúc đẩy hai ngành đó xích lại gần nhau trên tinh thần cơ bản là các bên cùng có lợi.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trong việc tận dụng triệt để lợi thế có được nhờ giá trị văn hóa và các yếu tố khác trong việc phát triển du lịch. Ngược lại, nhờ du lịch để quảng bá giá trị di sản, thúc đẩy ý thức bảo tồn. Đối với phần việc nói trên, nhiều nước có cách làm bài bản, rõ tầm nhìn xa. Nhật Bản có kinh nghiệm chừng nửa thế kỷ về việc dùng du lịch nuôi di sản. Trong khoảng thời gian đó, Nhật Bản đã tiến một bước dài, từ khởi động chương trình mời gọi "Khám phá Nhật Bản" đến tuyên bố là một quốc gia du lịch. Chặng đường ấy ghi nhận một thái độ bảo tồn di sản quyết liệt gắn với khuếch trương giá trị nguồn tài nguyên văn hóa, danh thắng, môi trường, phong tục, nếp sống thông qua con đường du lịch. Thực tế ấy thể hiện qua từng việc cụ thể mà nhiều khi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Như tuần trước nữa, khi truyền hình Việt Nam tiếp sóng trực tiếp trận đấu ở giải hạng hai Nhật Bản có sự tham gia của tuyển thủ Công Vinh, nhiều người vẫn nghĩ việc này có mối liên hệ với nhu cầu quảng cáo cho hãng bia Sapporo của Nhật Bản. Mãi đến khi truyền thông phân tích rằng việc mời Công Vinh sang thi đấu hướng đến mục tiêu tăng trưởng lượng khách du lịch Việt Nam đến thành phố Sapporo - nơi nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mỗi năm đón gần 1 triệu du khách, chứ không phải để quảng bá cho loại bia có tên trùng với tên của thành phố này - thì nhiều người mới biết rõ hơn về chủ trương xúc tiến du lịch thông qua hoạt động thể thao, dựa trên nền tảng di sản thiên nhiên của nước Nhật.

Chỉ tính ở Châu Á, việc nuôi di sản nhờ du lịch đã có hiệu quả không thể xem thường ở nhiều nơi, như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hồng Kông… Kinh nghiệm cho thấy, cách bảo tồn di sản văn hóa (vật thể, và đặc biệt là phi vật thể) được nhiều nơi áp dụng là tạo cho chúng một đời sống sôi động chứ không khuyến khích quan điểm "đóng cửa để bảo tồn". Tất nhiên, trong trường hợp này, các phần việc về du lịch phải tuân thủ nguyên tắc bảo tồn di sản thường được xây dựng rất chặt chẽ, chế tài liên quan được thực hiện nghiêm. Các nguyên tắc phát triển chung được bảo đảm nhờ sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, dựa trên định hướng phát triển chung ở tầm vĩ mô và ý thức của người dân đối với các vấn đề liên quan.

Ở Việt Nam, thường có chuyện không hay về mối quan hệ giữa các ngành có mối liên quan mang tính tương hỗ, gắn bó chặt chẽ với nhau, cái này tạo nền cho cái kia phát triển, và ngược lại. Điều lạ là sự không hay ấy không chỉ xuất hiện trong mối quan hệ của những ngành khác chủ quản. Như với văn hóa, thể thao và du lịch hiện tại, người ta nói là có sự tích hợp những ba ngành lớn. Sống cùng một nhà mà "kiến giả nhất phận", "em" du lịch ỷ lại vào những gì "anh cả" văn hóa bày ra, di sản đấy, "anh" bảo tồn rồi đấy, cứ thế mà khai thác thôi. "Anh thứ" thể thao một mình một khoảnh, không đỡ đần được gì đáng kể lại còn trách "em" du lịch không chịu tận dụng cơ hội mà mình bày ra. "Si-ghêm" đấy, cúp bóng đá châu lục "anh" mang về Việt Nam đấy, cơ hội mười mươi mà "em" có động đậy gì đáng kể ngoài việc cho thuê phòng ốc và lo ăn ở cho quan chức, vận động viên… Con một nhà mà hễ bàn về việc hỗ trợ lẫn nhau là y như rằng chịu tiếng chưa tốt dù từ định hướng chung tới chính sách cụ thể bao giờ cũng nêu yêu cầu phối hợp chặt chẽ. Đó là thực tế không thể phủ nhận, là nguyên nhân khiến cho nhiều mảng việc không thoát khỏi cảnh ậm ạch, kết quả hạn chế.

Từ thực tế trong nước và kinh nghiệm quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa, có mấy vấn đề mang tính nguyên tắc cần được thực hiện nghiêm: Thứ nhất, các chương trình, dự án liên quan cần phải tuân thủ định hướng chiến lược mà trong trường hợp này, định hướng đúng không có gì khác hơn là giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển phải dựa theo nguyên tắc bảo tồn, lợi ích kinh tế phải được xếp sau sự sống còn của di sản. Thứ hai, hoàn thiện khung chính sách về bảo tồn di sản, bao gồm cả việc trích lập các khoản kinh phí phục vụ công tác bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường từ lợi nhuận thu được nhờ khai thác di sản văn hóa. Thứ ba, xây dựng và duy trì nguyên tắc phối hợp thống nhất giữa cộng đồng, địa phương và ngành văn hóa - du lịch trong việc bảo vệ di sản, hướng đến mục tiêu xác định rõ trách nhiệm khi sự cố xảy ra. Thứ tư, xây dựng giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sống của cộng đồng dân cư ở nơi có di sản quan trọng, mục tiêu là tạo cơ hội cho người dân sở tại được tham gia vào chuỗi hoạt động khai thác nguồn tài nguyên du lịch, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ di sản. Thứ năm, cần có một dự án riêng thích hợp nhằm mục tiêu kiện toàn và nâng cao chất lượng nghiệp vụ của đội ngũ thuyết minh viên và hướng dẫn viên tại các điểm đến là di sản văn hóa quan trọng.

Giải quyết hài hòa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong mối quan hệ với mục tiêu tăng trưởng về du lịch không chỉ cần định hướng, chính sách đúng. Các vấn đề mang tính nguyên tắc chỉ có thể mang lại hiệu quả nếu nhận được sự hưởng ứng, cùng vào cuộc của cộng đồng, của chính quyền địa phương và nhất là cơ quan quản lý ngành. Điều quan trọng là sự chuyển đổi tư duy hành động, từ manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm sang tư duy phối hợp hành động dựa trên nguyên tắc chung, cùng hướng tới mục tiêu chung. Sự thay đổi về tư duy quản lý và tư duy hành động có thể dẫn tới một thái độ ứng xử phù hợp hơn trước những điều phát sinh từ cuộc sống. Chẳng hạn, người ta có thể giải mã ý tưởng của ai đó về việc tận dụng hiện trạng lũ lụt ở Di sản thế giới Hội An để khai thác loại tour du lịch "Hội An mùa lũ", kết luận ngay là nên hay không nên thực hiện loại tour có thể gây ảnh hưởng xấu đến các kiến trúc gỗ vốn đã ọp ẹp sau vài trăm năm tồn tại, thay vì phân vân rằng việc đó đúng hay sai. Khi tất cả cùng nhìn một hướng, rõ cơ chế và trách nhiệm phối hợp dựa trên nguyên tắc chung, quá trình khai thác giá trị di sản văn hóa sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.

Chủ động khai thác giá trị di sản văn hóa để phục vụ mục tiêu phát triển trong mối quan hệ với mục tiêu bảo tồn, đó là giải pháp "hai trong một".

Lê Trần Đức Huy