Bài học từ tiền nhân!
Văn hóa - Ngày đăng : 08:23, 24/11/2013
Một cuộc đời văn sĩ nhiều thăng trầm, trong đó văn giới và các chuyên gia đã không thể không nhắc lại nỗi ám ảnh "Trả nợ cô Kiều" của Trương Tửu trong suốt thời gian dài sau khi ông có những nhận định sai lầm về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Nhắc lại cái đã qua cũng bởi nó có ích cho hôm nay, và cũng bởi cái tinh thần tự nhận thức, tự phê bình của người làm khoa học, của trí thức chân chính. Giữa những năm 1940, Trương Tửu từng xuất bản sách phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều với những quan điểm gây phản ứng trong giới nghiên cứu. Nhưng điều đáng nói là hơn 10 năm sau, chính ông đã viết sách và thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình: "Tôi đã cố gắng phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Nhưng vì trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc… nên đã có những nhận định sai lầm căn bản". Và quan điểm mới của ông là: "Tác giả Truyện Kiều đứng về phía các tầng lớp nhân dân chống phong kiến đương thời" và "Nguyễn Du là một nghệ sĩ thực sự vĩ đại".
Công khai, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, và theo như tài liệu của các nhà văn, nhà phê bình thì nhiều năm sau, nhà giáo, nhà văn Trương Tửu còn không ngừng dằn vặt về nỗi phải "Trả nợ cô Kiều".
Thiết nghĩ, khoa học là một hành trình của nhận thức. Ngay cả mỹ cảm của con người cũng phụ thuộc vào nhận thức của chúng ta về thế giới này. Đúng, sai là chuyện khó tránh khỏi trên hành trình ấy, nhưng thành thật với mình là phẩm chất quan trọng hàng đầu. Trong bối cảnh hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật của đất nước đang vào thế bị động như hiện nay, một tinh thần khoa học của người viết để thành thật và công tâm trong nhận định, để dũng cảm trong tự phản biện lại mình… xem ra lại càng không thể cũ!
Và những cuộc hồi nhớ, tưởng niệm văn nghệ sĩ nếu được xới xáo, nhìn nhận một cách thẳng thắn, trân trọng như trên thì cũng là một cách để nối gần quá khứ với hiện tại. Ở đó nguyên vẹn những bài học lớn của tiền nhân!