Chuông cảnh tỉnh lại reo
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 23/11/2013
"Bệnh" vô cảm ngày càng loang rộng
Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp cảnh học sinh nữ đánh nhau, cởi đồ, xé áo trong trường học, nơi có rất nhiều học sinh đang vui chơi nhưng các em lại dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Có em còn ghi lại những hình ảnh đó để đưa lên mạng làm trò vui. Khi tham gia giao thông, gặp người không may bị tai nạn, nhiều người qua lại mặc kệ, hoặc có dừng lại cũng chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ, chứ không giúp đỡ nạn nhân vì sợ phải gánh trách nhiệm… Đáng buồn là những hiện tượng trên không phải chuyện hiếm gặp. Theo cách lý giải của TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc - Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hiện tượng vô cảm là những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Kinh tế thị trường một mặt mở ra cơ chế để người dân có thể phát huy tính sáng tạo và tự chủ của mình trong làm ăn, nhưng mặt khác cũng khiến con người trở nên thực tế đến mức thực dụng. Thậm chí, nhiều người đã vật chất hóa mọi mối quan hệ trong xã hội. Và như vậy, khi xem xét một sự việc hay vấn đề nào đó nảy sinh trong các mối quan hệ xã hội đó, dù vấn đề đó mang tính nhân văn nhưng nếu làm mọi người mất thời gian, phiền phức thì họ vẫn sẵn sàng quay mặt đi, không quan tâm. Ngay cả trong những trường hợp xấu nhất mà mọi người đều lên án, như nạn móc túi, ăn cắp vặt ở ngoài chợ, trên đường hay trong các cửa hàng, diễn ra giữa ban ngày, rất nhiều người nhìn thấy nhưng vẫn không dám "bật tín hiệu" cho người bị hại… Nạn vô cảm đã trở thành lực cản quá lớn khiến mọi người ít làm việc nghĩa, việc thiện.
Được giáo dục kỹ năng sống từ bé, thế hệ trẻ khi trưởng thành sẽ biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. |
Nhiều người đã thẳng thắn cho rằng, nếu họ nói ra sự thật thì ai sẽ là người bảo vệ họ, chờ đến khi pháp luật can thiệp được thì có khi họ đã gặp nạn. Đấy cũng là lý do khiến nhiều người làm ngơ trước những vấn nạn trong xã hội. Ngoài ra, có thể thấy rõ, càng ngày thế mạnh của vật chất càng tỏ rõ khả năng tác động, chi phối nhiều việc trong xã hội. Với nhiều người, cứ có tiền là mọi thứ được giải quyết êm xuôi. Ví như tại bệnh viện, cứ có phong bì thì không phải chờ đợi… Vì thế, những giá trị chân - thiện - mỹ trong đời sống hiện tại đã phần nào bị suy giảm, trắng đen rất dễ bị đảo lộn.
Hệ lụy khôn lường
Nói một cách công bằng, hiện tượng vô cảm hay tâm lý "Mạnh ai nấy sống", "Cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại" tuy đang có xu hướng loang rộng, nhưng phần nhiều lại nằm ở giới trẻ. Và có không ít người trẻ cho rằng phải vô cảm thì mới tồn tại được trong xã hội ngày nay. Do đó, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn xu hướng này thì đến thế hệ tiếp theo, vô cảm sẽ trở thành nhận thức chung của nhiều bạn trẻ trong xã hội. Điều này nếu để lâu, "ngấm" sâu vào nhận thức của một bộ phận giới trẻ thì sẽ vô cùng nguy hiểm, vì khi chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển, chúng ta sẽ mất đi niềm tin, tình yêu thương, sự gắn kết cộng đồng - vốn là những yếu tố giúp chúng ta chiến thắng giặc ngoại xâm, xây dựng công cuộc đổi mới đất nước rất ấn tượng như hiện nay. TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cảnh báo: "Xã hội ta là xã hội Á Đông, có tính cộng đồng với truyền thống sẻ chia, tương thân tương ái rất cao, bây giờ biến dạng thành cộng đồng nửa Âu nửa Á thì liệu có còn là cộng đồng Việt Nam nữa không?".
Có một thực tế là lâu nay, giờ học đạo đức ở cấp tiểu học và giờ học giáo dục công dân ở khối THCS, THPT đang bị xao nhãng. Giáo viên truyền thụ cho học sinh những kiến thức xa vời với cuộc sống mà quên dạy các em những điều giản dị, mà quan trọng là biết chia sẻ với đồng loại. Bên cạnh đó, học sinh quá bận với các môn học cơ bản. Chính vì vậy, đổi mới giáo dục, hài hòa việc dạy chữ với việc dạy làm người là việc làm cần thiết để giảm thiểu tình trạng vô cảm. Cụ thể, nhà trường nên chú trọng dạy học sinh biết cách ứng xử, biết quan tâm giúp đỡ mọi người và giáo dục kỹ năng sống để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh ở các em.
Theo các nhà nghiên cứu, việc giáo dục trong gia đình cũng rất quan trọng, phải được thực hiện từ khi trẻ bắt đầu biết nhận thức. Cha mẹ phải giáo dục cho trẻ biết thương yêu, quan tâm, chia sẻ, trước hết là với người thân của mình. Khi trẻ lớn hơn một chút, bước ra khỏi nhà, ra tới cộng đồng thì giáo dục tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho trẻ từ những việc nhỏ nhất, chẳng hạn như nhặt một chiếc lá bỏ vào thùng rác. Cha mẹ thấy điều gì không đúng, phải phân tích cho trẻ hiểu để có ứng xử đúng đắn. TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cũng nhấn mạnh, xây dựng một xã hội kỷ cương, công bằng, văn minh cũng là một điều kiện quan trọng để thói vô cảm không còn cơ hội loang rộng.