Khi vàng không còn là lựa chọn tối ưu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 23/11/2013
Từ đỉnh gần 50 triệu đồng/ lượng, giá trong nước đã lùi dần, xuống dưới 36 triệu đồng/lượng đối với giá mua vào của vàng SJC và dưới 33 triệu đồng/lượng với vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu. Như vậy, so với thời điểm đỉnh, vàng SJC đã giảm nhiều, một khoản lỗ không nhỏ cho những ai đã mua vào thời điểm đó. Lúc 10h ngày 22-11, vàng SJC giao dịch phổ biến ở mức: 35,98 triệu đồng/lượng (mua vào) - 36,04 triệu đồng/lượng (bán ra). Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục bị giá SJC "bỏ rơi", khoảng cách giữa 2 thương hiệu lên tới hơn 2,5 triệu đồng/lượng, niêm yết với giá: 32,87 triệu đồng/lượng (mua vào) - 33,42 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ảnh minh họa. |
Với mức giá này, so với đầu tháng 11, mỗi lượng vàng SJC đã mất đi hơn 900.000 đồng, trước đó, giá vàng đã "bốc hơi" 400.000 đồng trong tháng 10 và gần một triệu đồng mỗi lượng trong tháng 9. Chỉ tính riêng 3 tháng gần đây, giá vàng mất khoảng 3 triệu đồng/lượng. Tuy giá vàng đã ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, song giá trong nước chưa phản ánh được chiều đi của giá vàng thế giới. Trước đây, giá trong nước và thế giới diễn biến cùng chiều, khi giá thế giới tăng, giá trong nước cũng tăng theo và ngược lại. Nhưng trong nhiều tháng trở lại đây, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước trao đặc quyền vàng miếng cho thương hiệu SJC, giá trong nước không còn cùng chiều với thế giới mà một mình một đường. Tức là bất chấp giá thế giới giảm mạnh, giá trong nước cũng chỉ điều chỉnh nhẹ, thậm chí còn có thời điểm đứng yên. Điều này lý giải tại sao khi giá thế giới "tuột" mốc 1.300 USD/ounce, giao dịch với giá 1.244 - 1.245 USD/ounce (thời điểm 12h ngày 22-11, theo giờ Việt Nam) thì giá trong nước vẫn "ngất ngưởng" "vượt" thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng. Thực tế này chỉ ra rằng, nhà đầu tư trong nước không nên vội mừng khi thấy giá thế giới giảm mạnh để mua vào, mà cần tính toán kỹ, vì mua thời điểm này vẫn quá nhiều rủi ro.
Dự đoán về diễn biến giá vàng từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định, giá thế giới có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh khi nền kinh tế toàn cầu đón nhận những thông tin kinh tế đáng lạc quan. Đó là số lượng người mới thất nghiệp ở Mỹ giảm mạnh và hoạt động sản xuất lên mức cao. Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới - SPDR đã bán ra một lượng lớn, kéo lượng nắm giữ xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua. Lợi nhuận của các công ty tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản tăng gấp đôi trong quý III, mức cao nhất kể từ năm 2007 đến nay cũng cho thấy những dấu hiệu ấm dần của nền kinh tế này. Tất cả những thông tin khả quan trên đã tác động mạnh đến thị trường vàng, xoay chuyển thực tế của thị trường này, đưa kênh đầu tư vốn được coi là số 1 xuống thấp hơn những kênh đầu tư khác. Trên thực tế, khi vàng không còn được quá ưa chuộng cũng có nghĩa là nền kinh tế đang lấy lại đà phát triển, người ta sẽ không còn muốn tìm đến kênh đầu tư duy nhất là vàng, mà đã chia sẻ cho nhiều kênh khác như mở rộng kinh doanh, đầu tư chứng khoán, bất động sản…
Nếu dự báo của các chuyên gia là đúng, nhà đầu tư trong nước sẽ có cơ hội "chạm tay" vào vàng ở mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, mong muốn được mua vàng trong nước với mức giá ngang với thế giới có vẻ như khó xảy ra, vì giá vàng thế giới càng hạ, khoảng cách giữa hai thị trường càng bị nới rộng.