Thuốc kích thích tăng trưởng rau, quả tràn lan trên thị trường: Ai chịu trách nhiệm? (bài 2)

Đời sống - Ngày đăng : 05:50, 23/11/2013

(HNM) - Thuốc BVTV là một trong những nhân tố quan trọng giúp sản xuất nông nghiệp hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất chất lượng.

Bài 2: Thanh tra mỏng, quản lý lỏng?

(HNM) - Thuốc BVTV là một trong những nhân tố quan trọng giúp sản xuất nông nghiệp hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất chất lượng. Song, việc quản lý, sử dụng thuốc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của pháp luật. Thế nhưng hiện nay thuốc BVTV đang rơi vào tình trạng có quá nhiều cơ quan cùng quản lý, dẫn đến chồng chéo. Trong khi đó, việc kinh doanh, sử dụng sai quy định vẫn tràn lan.

Quá nhiều chủng loại thuốc

Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), trong danh mục thuốc BVTV của nước ta có 1.800 hoạt chất được phép sử dụng. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho rằng, từ số hoạt chất này, các doanh nghiệp sản xuất đã tạo ra hàng nghìn loại thuốc BVTV với các tên thương mại khác nhau. Điều tra mới đây của Cục BVTV, cả nước có khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc BVTV. Ngoài ra, cả nước có 97 cơ sở sản xuất và 29.000 cửa hàng, đại lý được đăng ký, cấp chứng chỉ kinh doanh thuốc BVTV. Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số thống kê được, còn rất nhiều các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, xen kẽ với các mặt hàng khác nằm trong khu dân cư, khó kiểm soát được việc kinh doanh buôn bán.

Đơn cử như tại Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 1.324 cửa hàng kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV, trong đó có 782 cửa hàng buôn bán thường xuyên, 542 cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, ở các ngõ xóm, theo thời vụ. Số cửa hàng có chứng chỉ hành nghề là 613, chiếm 46,3%; 475 cửa hàng không có đăng ký kinh doanh, chiếm 35,9%. Từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành phap luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với 142 cửa hàng và 56 công ty kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện 26 trường hợp vi phạm với 30 hành vi. Tất cả các trường hợp vi phạm đã được xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định. Ông Lê Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở những cửa hàng được thống kê, kiểm soát, số còn lại không được bày bán công khai, len lỏi trong các khu dân cư, hộ gia đình, rất khó kiểm tra. Còn ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, mỗi năm cả nước có khoảng 70.000 tấn thuốc BVTV lưu thông trên thị trường. Qua kiểm tra, lượng thuốc BVTV kém chất lượng chiếm khoảng 10%.

Theo nhiều người dân, hiện nay trên thị trường có quá nhiều loại thuốc BVTV khác nhau được sang chiết đóng gói. Điều này khiến cơ quan quản lý không thể kiểm soát nổi. Theo bà Đặng Thị Lan, hộ sản xuất rau tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, chỉ cần ra cửa hàng thuốc BVTV hỏi mua là người bán tư vấn nên dùng loại nào. Bản thân bà cũng không biết phải dùng loại gì cho cây nào! "Họ hướng dẫn sử dụng thế nào thì làm theo chứ đâu có biết mức độ độc hại hay thuốc có được phép sử dụng hay không". Bà Lan cho biết.

Không kiểm soát được người kinh doanh

Việc quản lý nguồn thuốc BVTV đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng do nguồn thuốc BVTV được nhập lậu, sang chiết, đóng gói trái phép ngày một gia tăng. Tại cuộc họp về quản lý thuốc BVTV vừa diễn ra, lực lượng hải quan cho biết, rất khó để kiểm soát tình trạng buôn bán thuốc BVTV lậu. Hoạt động buôn bán thuốc BVTV lậu diễn ra hết sức tinh vi tại các cửa khẩu. Họ thuê những đồng bào dân tộc hoặc những người sống sát biên giới xách từng bao nhỏ một. Sau khi qua biên giới, thuốc mới được tập hợp để phân tán đi các tỉnh. Đại diện các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai cho rằng, việc nhập lậu thuốc BVTV tại các vùng biên giới giáp ranh Trung Quốc đang diễn ra rất mạnh. Lực lượng chức năng các tỉnh đã tiến hành kiểm soát, bắt giữ nhiều vụ, nhưng vẫn không thấm vào đâu. Một khó khăn khác được chính quyền các tỉnh biên giới đưa ra đó là, khi bắt được thuốc BVTV lậu, việc bố trí kho chứa cũng như kinh phí tiêu hủy còn chậm, trong khi nguồn thuốc BVTV lậu không nắm rõ độc hại ra sao, để lâu trong kho cũng không tốt.

Ngoài khó khăn trong kiểm soát thuốc BVTV lậu từ các tỉnh biên giới, việc kiểm tra, xử lý tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, việc thanh, kiểm tra hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Có địa phương kiểm tra, lấy mẫu phân tích phải mất khoảng 10 ngày mới có kết quả. Sau khi có kết quả xét nghiệm, quay trở lại thì người dân hoặc cơ sở vi phạm đã bán hoặc tẩu tán hết số hàng đó. Nếu giữ lại ngay mà thiếu biện pháp xử lý nghiệp vụ, dẫn đến hư hỏng hàng hóa, khi có kết quả phân tích đúng thì phải bồi thường cho chủ hàng. Hơn nữa, việc quản lý thuốc BVTV đang bị chồng chéo với nhiều đơn vị như: Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở KH-ĐT, rồi các đoàn công tác của Bộ NN&PTNT.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng. Cả nước hiện có 61/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản. Song, trung bình mỗi tỉnh, thành phố chỉ có 15 thanh tra chuyên ngành. Theo ông Phạm Khắc Diến, Chánh Thanh tra Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện lực lượng thanh tra tại các trạm BVTV tập trung về Sở, trong khi các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV ở khu vực ngoại thành lại nằm len lỏi trong đường làng, ngõ xóm. Chỉ có cán bộ địa phương mới nắm rõ và quản lý được những cơ sở này. Ngoài ra lực lượng thanh tra sở chỉ được kiểm tra các cửa hàng và kho chứa thuốc BVTV, còn chức năng kiểm tra tại các hộ gia đình và phát hiện khi trên đường vận chuyển phải có sự phối hợp của lực lượng công an và quản lý thị trường. Đặc biệt, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Xử phạt hành chính trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp ban hành chậm, khiến cả cán bộ chuyên ngành cũng như người dân khó nắm được để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng: Văn bản quy định về quản lý, sử dụng, kinh doanh thuốc BVTV nhiều, lực lượng liên ngành đông, song không hiểu vì sao, tình trạng buôn bán, sử dụng thuốc BVTV trái quy định vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát?

Đỗ Minh