Chất lượng công trình có “vấn đề”?
Đời sống - Ngày đăng : 05:34, 23/11/2013
70.000 khách hàng bị ảnh hưởng
Như tin đã đưa, 9h ngày 21-11, tại Km27+060 Đại lộ Thăng Long (thuộc địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai), đã xảy ra sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội. Sự cố đã làm gián đoạn việc cấp nước sinh hoạt cho khoảng 70.000 khách hàng thuộc địa bàn quận Thanh Xuân, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đống Đa, huyện Thanh Trì và Từ Liêm. Công ty Nước sạch Hà Nội, đơn vị đang sử dụng hơn 50.000m3 nước sông Đà/ngày đêm từ đường ống truyền dẫn này cho biết, sự cố ảnh hưởng đến các khách hàng của công ty thuộc địa bàn các phường Láng Hạ, Láng Thượng, Thành Công và một số khu vực quận Đống Đa. Dự kiến ban đầu, việc khắc phục sự cố mất khoảng 2-3 ngày và nhanh nhất đến ngày 23-11 mới có thể cấp nước trở lại cho các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến 4h30 ngày 22-11, tức là chưa đầy một ngày sau khi xảy ra sự cố đường ống đã được khắc phục, nước sạch đã được cấp lại.
Các đơn vị thi công khắc phục sự cố vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà. Ảnh: Nguyễn Dương |
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex, cho biết sau khi phát hiện vỡ đường ống, công ty đã ngừng việc cấp nước và cử lực lượng đến hiện trường. Tổng cộng 150 cán bộ, công nhân cùng phương tiện máy ép cọc cừ, máy đào, xe cẩu, xe tải… đã làm việc suốt đêm 21-11. Nơi đường ống bị vỡ tạo thành miệng hố sụt rộng chừng 10m2, sâu khoảng 3m, bên dưới nước tiếp tục rò rỉ nên công nhân phải dùng máy bơm hút ra, đồng thời dùng máy ép cọc cừ xung quanh để chống sạt lở. Sau đó đào và cắt đường ống bị vỡ để thay thế bằng ống mới. Như những lần khắc phục sự cố trước, dự kiến thời gian thay thế đường ống vỡ phải mất 2-3 ngày. Nhưng lần này, khi đào xuống, đoạn ống vỡ nằm nông hơn, chỉ khoảng 3m nên thời gian khắc phục được rút ngắn. Mặt khác, sự cố vỡ đường ống hồi tháng 3-2013, phải thay đoạn đường ống dài 12m, còn lần này đoạn đường ống thay thế dài 6m, thời gian sửa chữa cũng nhanh hơn.
Hiện hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (Kỳ Sơn, Hòa Bình) về đến Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) nên mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.
Cần tuyến đường ống thứ hai
Khoảng 70.000 khách hàng bị mất nước, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn người không có nước sinh hoạt, rõ ràng đây là sự cố hết sức nghiêm trọng. Đánh giá khách quan, việc ứng phó, khắc phục sự cố khá nhanh, nhưng có điều, không ai dám khẳng định sẽ không tiếp tục có những sự cố lần thứ tư, thứ năm… xảy ra. Thậm chí, đã có ý kiến nghi ngờ về chất lượng công trình. Phải chăng khi thiết kế, chủ đầu tư đã không khảo sát, đánh giá, lường hết tác động của xung chấn đường cao tốc với địa chất công trình? Phải chăng khi thi công nhà thầu đã không xử lý tốt khu vực có nền yếu (như khu vực ao, hồ nơi xảy ra sự cố) để dẫn đến lún, sụt? Ông Nguyễn Văn Tốn thừa nhận: Việc thành lập ban chỉ đạo xử lý sự cố hay đội phản ứng nhanh khắc phục chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chất đối phó. Còn về lâu dài, để bảo đảm an toàn cho tuyến ống và dịch vụ cấp nước cho khách hàng, phải đầu tư thêm tuyến ống thứ hai, có quy mô tương tự. Song hiện việc thu xếp vốn đầu tư giai đoạn II rất khó, chúng tôi đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của TP Hà Nội, đồng thời đã trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư xin vay vốn ADB để triển khai.
Liên quan đến trạm bơm tăng áp và bể chứa, đã từng được Vinaconex khởi công hồi giữa năm, nhằm tăng cường lưu lượng cấp nước cho Hà Nội, nhất là khi xảy ra sự cố hoặc nhu cầu sử dụng tăng đột biến, ông Tốn cho biết, hạng mục này đã dừng đầu tư, bởi theo tính toán bể chứa chỉ có dung tích khoảng 30.000m3, hiệu quả không cao, mặt khác doanh nghiệp rất khó khăn về vốn nên để dành đầu tư tuyến ống thứ hai. Công suất thiết kế giai đoạn 1 của dự án nước sạch sông Đà là 300.000m3/ngày đêm, trong đó 200.000m3 cấp cho nội thành Hà Nội, 100.000m3 cấp cho các đô thị dọc Đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, hiện nay, các đô thị dọc Đại lộ Thăng Long chưa hình thành nên nhà máy chỉ chạy 70% công suất. Trong khi về mặt kỹ thuật, lượng nước thiết kế dư thừa này không thể bơm hết về nội thành, mặc dù Hà Nội rất cần. Đây là cái khó cho nhà đầu tư. - Ông Tốn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch VIWACO, công ty đã cấp nước trở lại trên mạng. Tuy nhiên, để khôi phục áp lực cho toàn bộ hệ thống, phải mất khoảng 12 đến 24 giờ. Khu vực cuối nguồn, cốt nền cao chắc chắn sẽ chậm có nước hơn. Mỗi khi gián đoạn cấp nước từ nguồn nước sông Đà, việc hỗ trợ từ mạng của Công ty Nước sạch Hà Nội gần như không thể vì tổng lượng của nguồn này cũng hạn chế.
Ngoài sự cố vỡ đường ống cấp nước sông Đà, trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra nhiều vụ thi công công trình làm vỡ đường ống. Điển hình như vụ vỡ đường ống phân phối tại phố Tương Mai ngày 30-5, phố Nguyễn An Ninh ngày 28-5 do cùng một dự án, một đơn vị thi công, làm hàng nghìn hộ dân 3 phường Tương Mai, Giáp Bát, Trương Định bị mất nước. Sự cố vỡ đường ống D400 của VIWACO trên đường Nguyễn Trãi hồi tháng 1 do một đơn vị thi công gây ra làm mất nước của 25.000 hộ dân 8 phường của quận Thanh Xuân… |
Đoạn ống bị vỡ có đường kính 1.600mm, chạy qua khu vực trước đây là ao được san lấp nên có nền yếu. Khi đào xuống, bên dưới đường ống còn rất nhiều bùn. Bên cạnh tuyến ống lại là đường cao tốc nên có thể gây ra tác động xung chấn làm lún sụt nền, dẫn đến vỡ phần nối giữa các đoạn ống với nhau. Nền đất yếu cộng với tác động của xung chấn từ đường cao tốc làm lún sụt, gây vỡ ống cũng là nguyên nhân dẫn đến sự cố hai lần trước đó trên tuyến này. |