Giải tỏa căng thẳng, tìm kiếm lợi ích

Thế giới - Ngày đăng : 05:23, 23/11/2013

(HNM) - Quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc đang từng bước được cải thiện sau

Động thái tích cực gần đây nhất là các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư lịch sử diễn ra ngay trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU ngày 21-11 tại Bắc Kinh. Tháng trước, một hội nghị đối thoại cấp cao về kinh tế và thương mại giữa hai bên cũng đã diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Chủ tịch Châu Âu Herman Van Rompuy (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU.


EU hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU sau Mỹ. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều EU - Trung Quốc lên tới 567 tỷ euro trong năm 2011. Nhưng kể từ năm 2012 kim ngạch buôn bán song phương bắt đầu giảm sút một mặt do khủng hoảng nợ công của EU gây ra, mặt khác do căng thẳng kinh tế giữa hai bên ngày càng leo thang. Điển hình như năm 2008, EU đã liệt kê 440 mặt hàng của Trung Quốc xuất sang EU thuộc loại "nguy hiểm" cấm nhập, chiếm 48% tổng số hàng hóa các nước xuất sang EU. Tiếp đó, năm 2012, EU tiến hành tới 60 vụ điều tra và trừng phạt kinh tế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Những tranh chấp từ thép đến rượu vang trong thời gian qua đã đốt nóng bức tranh toàn cảnh trao đổi thương mại Trung Quốc – EU.

Còn 2013 được cho là năm đỉnh điểm của những tranh chấp thương mại giữa hai bên. Từ đầu tháng 5 đến nay, EU và Trung Quốc đã không ngừng "lời qua tiếng lại" về thương vụ pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại Châu Âu. Thậm chí, EU còn "điểm mặt" 2 tập đoàn viễn thông của Trung Quốc là Hoa Vĩ và Trung Hưng ZTE nằm trong kế hoạch điều tra chống trợ giá của khối này. Trước đó, EU cũng đã áp thuế chống bán phá giá 47% đối với sản phẩm pin mặt trời và các phụ kiện thiết yếu của Trung Quốc vì cho rằng các sản phẩm đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới gây ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng, làm khó cho các tập đoàn trong cùng lĩnh vực của Châu Âu. Ủy ban Châu Âu (EC) còn tuyên bố nếu các cuộc đàm phán song phương thất bại, liên minh sẽ mở một cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với các công ty sản xuất thiết bị viễn thông di động của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cảnh báo sẵn sàng phản kích bằng một cuộc điều tra bán phá giá nhiều mặt hàng của EU, trong đó có hóa chất. Chính vì phần lớn những mâu thuẫn chưa được giải tỏa, nên cho tới nay EU vẫn chưa công nhận Trung Quốc là nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường.

Với cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư mới đang diễn ra, EU và Trung Quốc hy vọng những tranh cãi về bảo hộ mậu dịch sẽ hạ nhiệt, qua đó thúc đẩy các dòng vốn đầu tư và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường của doanh nghiệp hai bên. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hy vọng, kim ngạch thương mại hai chiều sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020.

Trên thực tế, nếu những mâu thuẫn về bảo hộ mậu dịch không được giải tỏa dẫn đến hậu quả là một cuộc chiến thương mại nổ ra, cả hai bên sẽ cùng chịu tổn hại nặng nề. Trong bối cảnh kinh tế EU vẫn đang trong giai đoạn bấp bênh, Trung Quốc cũng giảm tốc độ tăng trưởng ngoài kế hoạch và đang đứng trước nguy cơ "bong bóng" kinh tế thì, nương tựa lẫn nhau để thoát khỏi khó khăn là vô cùng cần thiết cho cả người khổng lồ Châu Á lẫn Cựu lục địa. Gia tăng xung đột thương mại sẽ chỉ làm cho những rắc rối vốn có về tài chính thêm trầm trọng. Do vậy, mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng, tháo gỡ bất đồng là một lựa chọn phù hợp cho cả EU và Trung Quốc vào thời điểm này. Đúng như Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh: "Chúng tôi đã có bước đi then chốt khi khởi động các cuộc thương lượng về một thỏa thuận đầu tư liên quan tới cả vấn đề bảo hộ đầu tư và tiếp cận thị trường. Cả EU và Trung Quốc đều tin rằng đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy thỏa thuận này".

Phương Quỳnh