Dự luật đất đai cơ bản đủ điều kiện để thông qua

Chính trị - Ngày đăng : 14:30, 22/11/2013

(HNMO) – Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật đất đai sửa đổi. Đây là buổi thảo luận hội trường lần thứ hai về dự án luật này tại kỳ họp thứ 6.


Đánh giá dự luật, các đại biểu cho rằng, dự luật đã tiếp thu tương đối đầy đủ và toàn diện các ý kiến góp ý của đại biểu, các quy định trong luật đã có sự thống nhất, liên thông với các dự án luật khác liên quan, tháo gỡ được những vướng mắc của luật hiện tại và đủ điều kiện để thông qua. Đặc biệt, dự luật đã có những quy định mạnh dạn, đột phá về giá đất, phương thức đền bù, quy định chặt các loại dự án được phép thu hồi đất…

Đi vào những vấn đề cụ thể, các đại biểu tiếp tục quan tâm đến việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình – TP. Hà Nội, không thể phủ nhận các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực nên việc thu hồi đất phục vụ các dự án này là cần thiết. Điều quan trọng là phải công khai, minh bạch toàn bộ quy trình, quá trình thực hiện để nhân dân biết và giám sát. Đặc biệt, việc quy định rõ trách nhiệm cá nhân, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là một biện pháp để đảm bảo công tác thu hồi đất được thực hiện nghiêm túc, công bằng.

Chung quan điểm, các đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình, La Ngọc Thoáng – Cao Bằng cũng nhận xét, công tác quy hoạch, kế hoạch đất đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả. Dự luật đã có những quy định bài bản về nội dung này nhưng các đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi vì các quy định này chưa có các chế tài cần thiết với những tổ chức liên quan không lấy ý kiến của nhân dân về các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc thực hiện không đúng quy trình, trình tự lấy ý kiến người dân…

“Nếu người dân biết quy hoạch thì có thể tránh được thiệt hại mà thời gian qua, vì người dân không biết nhưng cò đất biết, người buôn đất biết nên những đối tượng này đã mua rẻ, bán đắt đất cho người có nhu cầu”, đại biểu Phương nói.



Về vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai đề nghị thêm, cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định để đảm bảo tính nhất quán về nguyên tắc và căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với quy hoạch các vùng kinh tế, sự liên kết giữa các vùng miền. Đây chính là điều kiện khắc phục sự phân tán nguồn lực, lãng phí trong sử dụng đất.

Bên cạnh đó, một số đại biểu trong đó có đại biểu Phương Thị Thanh – Bắc Kạn, Huỳnh Nghĩa – Đà Nẵng cho rằng, quy định của dự luật về thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là quá rộng, chưa thể hiện rõ quan điểm trong Hiến pháp.

“Dự luật cần chi tiết, cụ thể hóa hơn các quy định liên quan đến thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Ban soạn thảo cần có rà soát, giải trình thêm về các vấn đề này để đảm bảo sự thống nhất giữa Hiến pháp và Luật đất đai”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Đại biểu Lê Trọng Sang – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc duy trì 2 hình thức thu hồi đất thì tất yếu tồn tại cơ chế 2 giá đất, dẫn đến khiếu kiện về đất đai là khó tránh. Do đó, đại biểu Sang đề nghị thu hẹp đối tượng thu hồi đất các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhằm hạn chế tối đa việc thu hồi đất tràn lan.

Liên quan đến mức giá bồi thường đất, các đại biểu cho rằng, giá đất thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, nên việc quy định giá đền bù là mức giá sát với thị trường như trong dự luật là rất khó xác định.

Theo đại biểu Lê Ngọc Thoáng, quy định làm thế nào để đảm bảo giá đất đền bù sát với giá thị trường chưa được rõ ràng, minh bạch, vẫn có thể tạo cơ hội cho một số cá nhân làm giàu bất chính; quy trình, trình tự xác định giá đền bù đất vẫn chưa đầy đủ.

“Các quy định của dự luật về giá đất sẽ không tạo nên sự khác biệt nếu chúng ta không có những chế định, thiết chế khả thi”, đại biểu Thoáng nói.

Một số đại biểu cũng đề nghị, với trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì dự luật nên quy định cho đối tượng này được vay để mua nhà với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 10 năm, vì đa phần những đối tượng thuộc diện thu hồi này thường là người nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn. 

Vân An