Chặng đường còn gian nan
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 22/11/2013
Song, với những gì diễn ra trong những ngày qua, đặc biệt là các cuộc "mặc cả" giữa các bên trước thềm đàm phán ngày 20 và 21-11 lần này ở Geneva (Thụy Sĩ), thì việc xuất hiện nhiều hoài nghi về sự đồng thuận cuối cùng không phải là điều bất ngờ.
Đóng cửa lò phản ứng nước nặng ở Arak là một trong những điều kiện khiến đàm phán về hạt nhân giữa các nước phương Tây với Iran bế tắc. |
Có nhiều lý do để giải thích cho sự đổ vỡ của vòng đàm phán cách đây 13 ngày. Tuy nhiên, nguyên nhân chính nằm ở mâu thuẫn về lợi ích chiến lược giữa các bên tham gia đàm phán. Việc liên tục điều chỉnh mục tiêu, thay đổi sáng kiến và không ngần ngại đưa ra những tuyên bố "chắc như đinh đóng cột" khiến nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cùng Iran đã nhanh chóng lâm vào thế bế tắc.
Đến với vòng đàm phán mới, cả P5+1 và Iran đều có những tuyên bố mang tính thỏa hiệp để các bên dễ bề cư xử. Không dưới một lần, chính quyền của Tổng thống Barack Obama kêu gọi lưỡng viện Quốc hội Mỹ không cần thiết phải áp đặt thêm đòn trừng phạt mới với Tehran để tránh một cuộc chiến có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Theo lập luận của Nhà Trắng, những biện pháp siết chặt cấm vận đang áp dụng đã đủ mạnh khiến nền kinh tế Iran gặp khó khăn, buộc Tehran quay trở lại bàn đàm phán và Quốc hội Mỹ cần tạo cơ hội cho quốc gia Hồi giáo này thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua giải pháp ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, áp đặt thêm các đòn trừng phạt mới đối với Iran lúc này có thể sẽ làm tổn hại nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trong hồ sơ hạt nhân dai dẳng này. Hội đàm song phương, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại Catherine Ashton cũng nhất trí rằng hiện đang là cơ hội rất tốt để các bên đàm phán ghi nhận sự hiểu biết lẫn nhau và tiến thêm một bước. Rõ ràng, sau rất nhiều trục trặc, các bên đều nhận ra rằng tiến trình đàm phán chỉ có thể được thúc đẩy khi hai bên cùng nhượng bộ - "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu" - chứ không thể chỉ có quyết định đơn phương. Hay nói cách khác, chính phủ Iran do Tổng thống ôn hòa Hassan Rouhani lãnh đạo coi những nhượng bộ về chương trình hạt nhân là điều kiện để đổi lấy việc phương Tây nới lỏng lệnh cấm vận, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và tài chính, từ đó đưa nền kinh tế thoát ra khỏi suy thoái. Trong khi đó, phương Tây cũng hiểu rằng không thể giải quyết được vấn đề hạt nhân Iran nếu không chấp nhận nới lỏng lệnh cấm vận.
Thế nhưng, từ lời nói đến hành động thực tế là cả một khoảng cách rất dài. Ngay trước thềm đàm phán, lãnh đạo tối cao Iran, Giáo chủ Khamenei, đã định ra những "lằn ranh đỏ" và nhắc lại rằng Tehran không nhượng bộ về quyền được làm giàu uranium trên lãnh thổ Iran vì mục tiêu dân sự và không đóng cửa cơ sở làm giàu uranium ở Fordo. Còn Pháp vẫn không có ý định thay đổi lập trường cứng rắn về 4 điều kiện gồm: Đặt các cơ sở hạt nhân của Iran dưới sự giám sát quốc tế, ngừng việc làm giàu urani ở mức 20%, giảm bớt dự trữ lượng urani đã làm giàu hiện có và ngừng hoàn toàn việc xây dựng một lò phản ứng nước nặng ở Arak. Trong khi đó, hai đồng minh của Mỹ ở Trung Đông là Saudi Arabia và Israel cũng đều tin rằng các cuộc đàm phán không thể ngăn chặn khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran và vì thế Tel Aviv khăng khăng đòi Iran phải phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạt nhân. Điều này báo hiệu tiến trình giải quyết chương trình hạt nhân Iran sẽ vô cùng khó khăn.
Và, cho dù các bên có đạt được thỏa thuận ban đầu như các bên mong đợi tại Geneva thì đây cũng chỉ là một động thái mang tính chính trị. Vẫn còn nhiều việc phải làm trên chặng đường dài sắp tới để mối đe dọa hạt nhân thôi đốt nóng Trung Đông như đã từng trong nhiều năm qua.