Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Cần lộ trình phù hợp

Giao thông - Ngày đăng : 06:23, 22/11/2013

(HNM) - Thêm một lần nữa, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra...

Vấn đề giảm phương tiện GTCN tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… đã hơn một lần được Bộ GTVT đề cập. Tuy nhiên, chủ trương này đã bị dư luận và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông phê phán với lý do điều kiện kinh tế Việt Nam chưa cho phép. Do đó, đề án này đã phải tạm dừng. Nhưng, trước tình hình tai nạn giao thông ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp, vấn đề này lại một lần nữa được hâm nóng bởi chính người lãnh đạo cao nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Tại cuộc họp nói trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những văn bản liên quan trực tiếp đến các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông như đề án hạn chế và lộ trình cấm xe ô tô, xe gắn máy tại các đô thị lớn.

Phát triển vận tải hành khách công cộng sẽ góp phần hạn chế phương tiện cá nhân.


Theo đề án do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) đề xuất, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng lộ trình cụ thể từng bước kiểm soát sự phát triển của phương tiện cá nhân tiến đến hạn chế phương tiện GTCN hoạt động tại một số khu vực trung tâm của các TP lớn (đặc biệt là xe gắn máy). Các giải pháp đưa ra để thực hiện mục tiêu kể trên được phân thành 4 nhóm cơ bản cho quá trình thực hiện đến năm 2020, trong đó, giải pháp hàng đầu là ưu tiên cho vận tải công cộng.

Theo dự thảo, mục tiêu đến năm 2020, phương thức vận tải cá nhân tại Hà Nội vẫn chiếm 77-82%, còn tại TP Hồ Chí Minh là 75-80%. Do ở Việt Nam không có khái niệm cấm sở hữu phương tiện GTCN vì vi hiến nên Viện Chiến lược và Phát triển GTVT đưa ra giải pháp kiểm soát và từng bước hạn chế phương tiện GTCN lưu thông trong khu vực trung tâm các TP, trong một vành đai đô thị hoặc trong một khu vực cụ thể. Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung phí phương tiện lưu thông trong khu vực trung tâm TP vào danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí là đổ gánh nặng cho dân. Một chiếc xe hiện đã phải chịu 3 loại thuế và 7 loại phí. Với điều kiện các đô thị của Việt Nam, nếu có thu phí thì ùn tắc cũng không giảm nên cần xem lại động cơ của việc đề xuất thu phí. Song, nói như vậy không có nghĩa là vào thời điểm hiện tại, chủ trương này đã có sự đồng thuận từ đông đảo các chuyên gia và đại bộ phận người dân. Đã có quan điểm cho rằng việc này sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra, chỉ có điều cần có lộ trình phù hợp để đề án thực sự khả thi.

Một số ý kiến khẳng định, việc hạn chế dần xe cá nhân ở đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là cần thiết và có thể thực hiện được nếu có sự quyết tâm của chính quyền cũng như người dân. Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng kỹ thuật của hai thành phố nói trên, chưa thể hạn chế xe cá nhân ngay mà cần có lộ trình ít nhất trong 5-10 năm. Muốn hạn chế xe cá nhân phải điều chỉnh, quy hoạch lại mạng lưới giao thông, phát triển hạ tầng đô thị cho thích ứng. Cùng với việc quy hoạch lại mạng lưới giao thông cho các phương tiện công cộng tại khu vực trung tâm, nhà ga cũng cần quy hoạch những bãi đậu xe với khoảng cách thích hợp ở vòng ngoài để người dân dễ dàng gửi phương tiện cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng vào trung tâm và nên miễn phí gửi xe. Khi đã có những điều kiện cần và đủ mới tính đến chuyện hạn chế xe cá nhân vào các TP lớn.

Cùng với quan điểm phải hạn chế phương tiện GTCN, PGS-TS Nguyễn Quang Toản (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn đường bộ - Đại học GTVT) nhấn mạnh, muốn hạn chế xe cá nhân cần phải có giải pháp thay thế như tăng xe buýt, xe điện, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh... Theo tính toán, đến năm 2020 GTCN vẫn ở mức trên 70% tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này có nghĩa xe cá nhân vẫn đóng vai trò chi phối. Chỉ khi giao thông công cộng chiếm 40-50% mới có thể dùng những biện pháp hạn chế xe cá nhân cực đoan để buộc người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đây là chính sách lớn, nhưng từng địa phương phải đóng vai trò quyết định, phải xây dựng hệ thống hạ tầng của mình bằng mọi nguồn lực với lộ trình hợp lý…

Tuấn Khải