Hiệu quả từ mô hình trồng rau trái vụ

Xã hội - Ngày đăng : 06:14, 22/11/2013

(HNM) - Sản xuất nông nghiệp vốn tuân thủ rất nghiêm ngặt tính thời vụ bởi phụ thuộc vào khí hậu, nên từ lâu người tiêu dùng đã quen "mùa nào rau quả" đó.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã triển khai mô hình trồng rau trái vụ cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha, góp phần giúp các địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM.


Những ngày gần đây, nông dân xã Tiên Dương, huyện Đông Anh rất phấn khởi với mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) trái vụ. Chủ nhiệm HTX RAT Tiên Dương cho biết, toàn xã có gần 200ha sản xuất RAT. Việc sản xuất RAT trước kia vẫn tuân thủ theo tính thời vụ để gieo trồng từng loại rau theo mùa. Thế nhưng, từ khi được cán bộ Chi cục BVTV Hà Nội hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, Tiên Dương đã sản xuất được nhiều loại rau trái vụ, giá lại cao hơn và không lo ế hàng. Giờ đây, ngay giữa hè, nông dân Tiên Dương cũng có thể sản xuất được những loại rau vốn của mùa đông như su hào, bắp cải… Bà Đặng Thị Lan, một trong những hộ sản xuất RAT xã Tiên Dương bộc bạch, gia đình bà có 4 sào chuyên canh su hào, mỗi năm trồng 4 lứa, 2 lứa vụ đông và 2 lứa vụ hè, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/sào/vụ. Giá su hào hiện được bán với giá 4.500 - 5.500 đồng/củ, mỗi sào thu được khoảng 3.000 củ và nếu trái vụ giá bán còn cao hơn nhiều. Với giá bán tại ruộng như vậy, 4 sào su hào của bà cho thu nhập khoảng 160-180 triệu đồng/năm. Không chỉ riêng gia đình bà Lan, hầu hết các hộ nông dân của HTX RAT Tiên Dương đều sản xuất rau trái vụ luân canh với rau chính vụ cho thu nhập cao ổn định.

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, toàn thành phố hiện có trên 3.800ha sản xuất RAT, tập trung chủ yếu ở các vùng chuyên canh rau Văn Đức (Gia Lâm), Thanh Đa (Phúc Thọ), Vân Nội (Đông Anh), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì)... Tuy nhiên, sản lượng mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu dùng, do đó, việc mở rộng diện tích sản xuất RAT là rất cần thiết, vừa giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc triển khai mô hình sản xuất rau trái vụ là hướng đi đúng của ngành nông nghiệp Thủ đô. Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng, mùa hè nhiều nơi không thể trồng được su hào, bắp cải nên giá thường rất cao. Đặc biệt những năm gần đây, khí hậu có nhiều diễn biến bất thường, mưa bão kéo dài đã gây thiệt hại không nhỏ cho các vùng trồng rau. Thế nhưng, riêng vùng rau Đông Anh, người dân vẫn thu hoạch với sản lượng ổn định, nhờ ứng dụng các phương pháp kỹ thuật. Triển khai trồng rau trái vụ tại các vùng RAT đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tăng thêm nguồn cung RAT cho người tiêu dùng. Không những thế, việc sản xuất rau trái vụ theo hướng an toàn sẽ giúp người dân yên tâm khi chọn lựa các loại rau vào thời điểm không phải mùa vụ.

Chia sẻ những thành công từ mô hình RAT trái vụ ở Đông Anh, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Đông Anh Nguyễn Thị Hằng cho biết, việc sản xuất RAT trái vụ rất đơn giản, chỉ cần sử dụng nylon che cho rau để hạn chế ánh sáng vào mùa hè, giảm lượng nước tưới, giảm sâu bệnh... Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất, nông dân Tiên Dương đã vươn lên làm giàu từ mô hình rau trái vụ. Theo tính toán của chính quyền địa phương, sản xuất RAT trái vụ cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha. Đây là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng ở nhiều địa phương. Để phát triển vùng rau hiệu quả, cán bộ chuyên trách của Trạm BVTV huyện cùng các kỹ sư thường xuyên giám sát quá trình sản xuất RAT của nông dân. Hiện toàn huyện Đông Anh có khoảng 400ha sản xuất RAT, trung bình mỗi cán bộ kỹ thuật phải phụ trách 20ha. Việc giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất RAT, giúp nông dân hình thành ý thức sản xuất nông sản sạch theo hướng hàng hóa, chất lượng. Song, dù hiệu quả kinh tế cao, nhưng hầu hết RAT trái vụ nói riêng và RAT xã Tiên Dương, Đông Anh nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Hầu hết nông dân vẫn bán cho thương lái, lượng RAT được tiêu thụ theo hợp đồng, vào siêu thị rất ít. RAT Tiên Dương cũng chưa được xây dựng thương hiệu, khả năng cạnh tranh với các vùng RAT khác cũng hạn chế.

Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, với các vùng RAT đã hình thành, ngành nông nghiệp sẽ sớm xây dựng thương hiệu, triển khai gắn tem, nhãn nhận diện RAT. Đối với mô hình sản xuất RAT trái vụ, Chi cục sẽ tiếp tục nhân rộng tại các địa phương trong những năm tới.

Đỗ Minh