Nhiều đề xuất tại Tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp"

Tài chính - Ngày đăng : 13:58, 13/12/2022

(HNMO) - Nhằm tạo diễn đàn để tiếp tục ghi nhận ý kiến trao đổi, góp ý của các chuyên gia kinh tế - tài chính, cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp, ngày 13-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp”.

Quang cảnh buổi tọa đàm: “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp”.

Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Trương Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn cần có độ trễ. Doanh nghiệp mong muốn từ chỉ đạo này, các ngân hàng thương mại sớm nới room tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, vượt qua khó khăn.

Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức nới room tín dụng từ 1,5 - 2%, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần có biện pháp chung tổng thể để phối hợp cả chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Đặc biệt, cần sớm sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phải xem trái phiếu doanh nghiệp là kênh rất quan trọng để tạo nguồn vốn trung hạn cho các doanh nghiệp, đồng thời, giảm đi gánh nặng vốn trung hạn cho các ngân hàng thương mại…

Nói về khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia dẫn chứng: Qua rà soát, khó khăn lớn nhất là pháp lý. Cả nước có khoảng khoảng 239 dự án condotel, officetel đang bị vướng, với tổng giá trị khoảng 30 tỷ USD. Do đó, việc nới room tín dụng là rất tích cực, vì nhiều hồ sơ, nhiều công trình, dự án đang dở dang do trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được.

Phân tích về định hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, Tiến sĩ Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: Ngành Ngân hàng khẳng định vốn tín dụng không thiếu. Vì room tín dụng 3,5 - 4% trong 3 tuần cuối năm 2022 là cực kỳ nhiều, bởi thống kê, tháng 12 hằng năm thường chỉ cần từ 2 - 2,2% room tín dụng. Thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung và khi doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh thì việc tiếp cận vốn rất khả thi.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Minh Trí, Thành viên Hội đồng thành viên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: "Agribank là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng nên chúng tôi luôn quan tâm 2 khía cạnh, là phải đặt yêu cầu về nền tảng an toàn lên hàng đầu. Do đó, trong cuộc đua lãi suất vừa qua, Agribank luôn thận trọng, lắng nghe và điều chỉnh những hạn chế, đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất. Ngay trong tháng 12 này, chúng tôi giảm 20% tổng số lãi phải trả cho khách hàng. Agribank sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để đóng góp vào việc hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn".

Hà Phạm