Nỗi lòng vọng tới thi nhân
Sách - Ngày đăng : 06:56, 21/11/2013
372 câu thơ được viết theo thể lục bát với ngôn ngữ, âm hưởng gần với Truyện Kiều, gần với Nguyễn Du, "Khấp Tố Như" của tác giả Bùi Mạnh Hảo mang tấm tình của người đời sau về một thi nhân, một danh nhân văn hóa thế giới.
Như chia sẻ của tác giả, tác phẩm tập trung thể hiện tâm trạng của Nguyễn Du về vận mệnh đất nước, về thời cuộc, hoàn cảnh gia đình và thăng trầm của đời người. Trong đó, trên hết là tấm lòng của Nguyễn Du đối với thân phận con người và vạn vật, cũng như tình cảm của mọi sinh linh đối với thi nhân. "Khấp Tố Như" được chia thành 11 trường đoạn, bắt đầu từ khí thiêng sông núi xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã kết tụ, sản sinh ra thiên tài Nguyễn Du cho đến "thân phận" của Truyện Kiều, nàng Kiều sau khi Truyện Kiều được phổ biến và hình ảnh Nguyễn Du sau khi mất. Trường đoạn thứ 11 là Đoạn kết, với những lời gan ruột của tác giả.
Nhà thơ Bùi Mạnh Hảo bày tỏ: "Sau lần tôi về viếng mộ cụ Nguyễn Du tại Hà Tĩnh tháng 7 năm 2005, cảm xúc về cụ thật sâu đậm. Tôi viết tác phẩm này như một nén tâm nhang dâng lên hương hồn đại thi hào Nguyễn Du, với tình cảm của một người con ngưỡng vọng về nguồn cội rất đỗi kính yêu của mình".
Đọc tác phẩm, bạn đọc Mạc Thanh Phương chia sẻ: "Khấp Tố Như là tập sách song ngữ với những phần chú thích rất sâu sát, không chỉ góp phần giúp cho bạn đọc quốc tế có thể hiểu sâu hơn những vần thơ cùng văn chương và tiếng Việt của dân tộc Việt mà còn tái hiện cuộc đời đầy bi ai của đại thi hào Nguyễn Du…". Với bạn đọc Nguyễn Sĩ Nguyên thì "bằng lối viết của Truyện Kiều và ngôn ngữ của mấy trăm năm trước, thi phẩm này đã diễn đạt được nỗi đau đời, đau người, đau thân phận mình của cụ Nguyễn Du…".
Nhà thơ Bùi Mạnh Hảo, bút danh là Tâm Minh, quê ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, là tác giả của một số tập thơ như "Mười bông hoa trinh liệt ngã ba Đồng Lộc", "Những linh hồn bất tử", "Tiếng ru của mẹ Làng Lai", "Đất nước hình con gái"…