Thủy điện xả lũ, ai chịu trách nhiệm?

Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 21/11/2013

(HNM) - Tài sản, nhà cửa và cả tính mạng của người dân khu vực các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị lũ lụt đe dọa trong suốt những ngày qua. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những trận lũ bất thường, gây thiệt hại nặng nề, ngoài yếu tố tự nhiên còn do tình trạng xả lũ đột ngột của các hồ thủy lợi, thủy điện.

Thủy điện xả lũ được cho là một trong những nguyên nhân gây lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung những ngày qua.



ĐB Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội): Phải quy rõ trách nhiệm


Theo yêu cầu của QH, Chính phủ đã rà soát loại ra hơn 400 dự án thủy điện. Vùng hạ du bây giờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thủy điện xả lũ. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì không rõ, không ai đền bù cho người dân. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì không biết đến ngày nào người dân ở vùng hạ du có cuộc sống ổn định. Tôi kiến nghị phải tiếp tục rà soát lại hơn 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ còn lại. Cần phải quy trách nhiệm rõ ràng. Ở đây có trách nhiệm của người phê duyệt dự án, của chủ đầu tư và phải đền bù nếu gây thiệt hại. Nếu chỉ trả lời chất vấn chung chung thì không đi đến đâu.

ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh):Cần xem xét trách nhiệm hình sự

Trước khi mưa bão, lũ lụt, áp thấp nhiệt đới đổ về thì bản thân người điều hành hồ thủy điện đều hiểu là nguy hiểm ở mức nào. Nếu cố tình tích trữ nước để chạy thủy điện tức là anh sợ mất tiền, đến khi lũ cao rồi mới xả ra thì hết sức nguy hiểm cho người dân. Đặc biệt việc xả nước không có thông báo, xả vào ban đêm thì càng nguy hiểm. Hành vi này đem lại lợi nhuận cho cá nhân, lợi ích của một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho cả cộng đồng, đặc biệt là tính mạng người dân. Việc xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua là hành vi làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, thiếu trách nhiệm coi thường tính mạng, tài sản của người dân. Do vậy, cần phải điều tra kỹ, nếu có sai phạm như thế phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

ĐB Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam): Không rõ trách nhiệm, không thể sửa sai

Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện hiện nay còn nhiều bất cập, mùa khô thì thủy điện tích nước khiến cho những dòng sông ở hạ du trở thành những "dòng sông chết". Mùa mưa hồ chứa xả lũ lại gây thiệt hại cho người dân. Thực tế, đến nay chúng ta mới chỉ có quy trình vận hành đơn hồ, còn liên hồ thì lại chưa có, khiến mạnh ai nấy xả. Việc chấp hành, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành hồ chứa còn ngổn ngang, khiến cho cử tri, ĐBQH day dứt. Cách trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương vừa qua chưa thấy rõ trách nhiệm, nhất là trong câu nói "quy hoạch thủy điện là chúng ta nói về chúng ta chứ không phải Chính phủ hay bộ này, bộ khác".

ĐB Huỳnh Minh Thiện (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Thiệt hại do buông lỏng, dễ dãi trong đầu tư

Lũ lụt ở miền Trung, Tây Nguyên vừa qua rõ ràng là hậu quả tất yếu của việc buông lỏng, dễ dãi trong quản lý từ đầu tư, quy hoạch, xây dựng đến vận hành khai thác. Thủy điện xả lũ khi có lũ, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ, gây thiệt hại lớn cho người dân. Vậy ai chịu trách nhiệm đây? Người dân trắng tay trong một đêm, đó là sự tích lũy của họ trong hàng mấy chục năm, thậm chí hàng mấy đời. Việc này Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm, mà trước hết thuộc về Bộ Công thương vì đây là bộ chủ quản về thủy điện, chứ không thể đổ thừa cho địa phương, Bộ KH&ĐT hay các bộ, ngành khác.

ĐB Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai): Xả thải chất độc và xả lũ nguy hại như nhau

Thủy điện là một phong trào "mỳ ăn liền", DN làm dự án rất nhanh chóng để có sản phẩm điện bán ra thị trường. 40-50 năm nữa, khi hết giá trị khai thác, thủy điện ở vùng sâu, vùng xa sẽ biến thành hàng trăm quả "bom nước" không được quản lý. Bộ trưởng Bộ Công thương mới giải trình vấn đề này một cách rất chung chung, không thấy trách nhiệm ở đâu. Tác động của việc xả lũ vừa qua phải đi đến cùng trách nhiệm. Thiên tai là thiên tai còn nhân tai là nhân tai. Người dân hoàn toàn có thể kiện bởi chỉ một lần xả lũ có thể phá vỡ tất cả tài sản của họ. Cũng như ô nhiễm môi trường, xả thải chất độc và xả lũ nguy hại như nhau.

Hương Ly