Nhọc nhằn nghề thu lượm lúa chét
Xã hội - Ngày đăng : 17:10, 20/11/2013
Thời điểm này, ai có dịp đi qua những cánh đồng nằm ven trục đường 80, đoạn chạy qua địa bàn huyện Thạch Thất, sẽ dễ dàng bắt gặp từng tốp, từng tốp 2-3 người phụ nữ khom lưng, cặm cụi thu lượm từng bông lúa chét mọc lên trên những gốc rạ sau vụ lúa mùa đã được thu hoạch cách đây gần hai tháng.
Dụng cụ họ mang theo chỉ đơn giản là một chiếc liềm và một bao tải có dây chằng qua vai, đeo lủng lẳng bên hông. Những bông lúa chét còn sót lại, sau khi thu lượm, được họ nâng niu, nhẹ nhàng để vào trong bao tải. Dưới tiết trời se lạnh của mùa đông, người nông dân vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả lội hết mảnh ruộng này đến mảnh ruộng khác, với một mong mỏi duy nhất là thu lượm được càng nhiều lúa chét càng tốt.
Thu lượm lúa chét trên cánh đồng ven tỉnh lộ 80 thuộc xã Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) |
Vừa khom lưng tìm, rồi cắt những bông lúa chét trên cánh đồng bùn đất còn nhão nhoét, ngập đôi bàn chân gầy guộc, bà Nguyễn Thị Bé (61 tuổi, ở xã Bình Phú, Thạch Thất) bộc bạch: “Trước đây, nhà tôi có 6 nhân khẩu, nhưng mỗi nhân khẩu chỉ có vỏn vẹn 12 thước ruộng canh tác (kém 3 thước nữa mới đầy một sào Bắc Bộ (tương đương 360m2-PV). Nhưng nay con trai, con gái tôi đã đi lấy chồng, lấy vợ cả rồi. Chúng tách ra ở riêng, nhà chỉ còn lại hai vợ chồng. Ruộng đất vẫn chưa dồn đổi được nên còn manh mún, nhỏ lẻ, hơn nữa lại chưa chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên vẫn chỉ gieo cấy được hai vụ lúa. Tôi già rồi không làm được gì nhiều, tranh thủ nuôi đàn lợn, đàn gà đến lứa "xuất chuồng" kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hai vợ chồng già ăn uống chả được là bao, nhưng nếu để lợn, gà không được ăn no, gầy yếu thì bán không được giá. Bởi vậy, tuy đi thu lượm lúa chét không được nhiều nhưng cũng đỡ cho gia đình tôi phần nào thức ăn dành cho chăn nuôi”.
Qua tìm hiểu được biết, năng suất lúa bình quân vụ mùa vừa qua tại không ít địa phương trên địa bàn huyện Thạch Thất, trong đó có xã Bình Phú chỉ đạt khoảng 80-100kg/sào, vì lúa bị ngập úng và chuột bọ phá hoại. Những mảnh ruộng ngập úng, không trồng được cây vụ đông, trong lúc chờ thời vụ gieo cấy lúa xuân, những gốc rạ sau một thời gian lại cho ra những bông lúa tái sinh. Tuy vài gốc rạ may ra mới có một bông lúa chét, nhưng với những gia đình nghèo nơi ngoại thành thì đây lại là món quà tuyệt vời mà trời ban tặng.
Trên thực tế, những người đi thu lượm lúa chét hầu hết là những phụ nữ nằm trong độ tuổi ngót nghét 60. Ở độ tuổi này, lẽ ra họ đã được nghỉ ngơi an nhàn, được con cái chăm sóc, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không có ngành nghề gì khác để làm thêm nên có lúa chét để thu lượm là cả sự may mắn nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Theo họ, vài năm trở lại đây, khi kinh tế suy thoái nên cơ hội để họ tìm việc làm thêm trong những ngày nông nhàn ở địa phương hầu như không có.
Đi thu lượm lúa chét gọi là nghề thì chưa hẳn đúng, bởi thời gian chỉ kéo dài khoảng 10-15 ngày; hơn thế, không phải mảnh ruộng gieo cấy lúa nào sau khi thu hoạch cũng lại tiếp tục cho những bông lúa tái sinh, mà chỉ có những thửa ruộng trũng, còn nước đọng mới có thể sản sinh ra lúa chét. Song với họ, thêm thắt được đồng nào hay đồng đó! Những người đi thu lượm lúa chét cho biết, một ngày chịu khó thu lượm, bình quân họ cũng mang về nhà được khoảng 10kg thóc; thóc thu được từ lúa chét chủ yếu để dành cho chăn nuôi gà, vịt.
Một ngày thu lượm lúa chét của những người phụ nữ nơi thôn quê chỉ kết thúc khi đôi chân đã mỏi, tấm lưng thêm còng và chiếc bao tải đã nặng. Những bông lúa chét còn xanh sẽ được họ giữ lại thêm vài ngày nắng cho chín hẳn rồi mới thu lượm. Công việc ăn may này đòi hỏi họ phải đi thật nhiều, nhanh tay, nhanh mắt. Song, họ chưa một lần xích mích hay cãi cọ nhau, bởi họ đều hiểu và biết thương những người cùng cảnh ngộ!