Những “người lái đò” nhân hậu
Giáo dục - Ngày đăng : 06:39, 20/11/2013
16 năm qua, đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, bà Nam luôn có mặt ở lớp để chỉ cho các em khuyết tật từng nét chữ, phép tính. |
Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình - Hà Nội) là một ngôi trường đặc biệt. Đó là mô hình giáo dục khác biệt, với "đầu vào" đa phần là HS "có cá tính" - cách nói của các thầy, cô giáo về những HS học yếu, ý thức kém, thậm chí từng bị trường khác "mời đi". Công việc này vô cùng khó khăn đối với bất kỳ giáo viên nào. Thế nhưng, sau hơn hai chục năm qua, kết quả giáo dục đáng phấn khởi là minh chứng cho tinh thần vượt khó của đội ngũ thầy, cô giáo nhà trường.
Theo nhiều đồng nghiệp, những người gắn bó với ngôi trường "Đinh… kinh hoàng" thực sự là những anh hùng chưa được lưu danh. Có mặt tại buổi giao lưu toàn quốc về những điển hình vượt khó dạy tốt, thầy Phó Đức Vinh - một trong số 52 nhà giáo của trường tâm sự: "Dù các em là ai thì bên trong cũng luôn tiềm ẩn một sự vươn lên, vì vậy, điều quan trọng là tìm ra con đường tiếp cận, khơi dậy tiềm năng ấy. Trước đây, tôi chỉ quan tâm uốn nắn cái sai, thậm chí là gay gắt với HS. Sau này, tôi chú tâm xem các em đã làm được gì, sửa được nhược điểm nào để động viên. Hành trình chạm đến trái tim học trò đã bắt đầu bằng sự thân thiện và bao dung như thế…".
Hơn 30 năm gắn bó với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), cô giáo dạy toán Lê Thu Hương được nhiều thế hệ học trò khiếm thị coi là người mẹ thứ hai. Cô còn nhớ như in hoàn cảnh của những học trò khiếm thị đầu tiên đến trung tâm xin học. Đó là vào quãng năm 1990. Khi ấy, Hà Nội cũng có trường ban ngày dành cho HS khiếm thị, song với những người khiếm thị lớn tuổi thì việc học cả ngày ở trường là không thể, bởi họ còn nặng gánh áo cơm. Cảm động trước ý chí của những học trò hiếu học, một lớp học buổi tối đã ra đời tại trung tâm với sự dẫn dắt của cô giáo Hương. Quá trình gắn bó với lớp, cô Hương nhận thấy, nếu như với các môn khoa học xã hội, HS khiếm thị có thể nghe, tưởng tượng thì với các môn tự nhiên, nhất là toán, các em học vô cùng chật vật. Cô mày mò đủ cách, thậm chí nhập vai khiếm thị để giúp cho HS dễ mường tượng, nhưng không hiệu quả. Thế là ý tưởng làm sách giáo khoa hình nổi của cô ra đời. Ban đầu là uốn dây đàn, dây đay thành các hình, rồi dùng băng dính, hồ để dán chúng vào bìa cứng. Nhưng, chỉ được một thời gian là các hình bị bong ra, không dùng được nữa. Một lần, ngồi chơi với cô cháu gái, thấy cô bé dùng băng dính hai mặt vê lại thành sợi mì, cô nảy ra ý tưởng tương tự để vẽ hình. Để hình không bị bết dính, cô dùng phấn rôm rắc lên rồi vuốt lại cho mịn. "Phát minh" của cô đã được trao giải nhất quốc gia trong cuộc thi "Sáng tạo đồ dùng" và được nhân rộng suốt gần chục năm qua bởi cách làm ấy đơn giản, nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền… Sau bộ sách giáo khoa hình nổi cho HS lớp 10, 11, 12, cô và đồng nghiệp còn làm dụng cụ cho môn lý, hóa và mở rộng ra ở các khối lớp khác.
Không còn thuộc quân số quản lý của ngành GD-ĐT Hà Nội, song 16 năm qua, bà giáo già Hồ Hương Nam, 81 tuổi (quận Tây Hồ) vẫn cần mẫn đứng lớp 5 buổi/ tuần tại lớp học "Tình thương". Lớp học của bà khá đặc biệt, có 15 học trò đủ các độ tuổi, bé nhất lên 6, lớn nhất đã ngoài 30 song đều có chung đặc điểm là khuyết tật: Người điếc, người mù, người bị thiểu năng trí tuệ hoặc liệt… Nhiều ông bố, bà mẹ lặn lội từ Thanh Trì, Hoàng Mai, Từ Liêm, Ba Vì đưa con đến nhờ bà, chỉ mong các con viết được tên mình. Trực tiếp dõi theo con ngoài cửa sổ cả tháng trời, nhiều người đã bật khóc bởi tấm lòng nhân hậu và sự tận tâm của người giáo già. Ban đầu, lớp học đặt tại nhà bà ở phường An Dương.
Sau này lớp đông, bà cháu dắt nhau đi học nhờ ở trụ sở tuần tra của phường, rồi chuyển sang nhà văn hóa. Được một thời gian lớp lại chuyển vào trường mầm non. Cảm phục trước tấm lòng của bà, Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ đã quyết định dành một phòng học tại Trường THCS An Dương để bà cháu yên tâm dạy nhau. Lớp học chẳng có bảng đen, cũng không cần phấn. Bà Nam dạy cho mỗi trò theo giáo án riêng. Thậm chí, để dạy HS viết được chữ O, bà cháu đã phải miệt mài đến hai, ba tháng trời. Chị Nguyễn Thị Hà, một trong những phụ huynh có con học bà từ những ngày đầu cho biết: Chỉ có trò, vì sức khỏe mà phải nghỉ học, còn bà giáo già suốt 16 năm qua chưa nghỉ một ngày, cũng không hề nhận một đồng tiền lương nào. Thậm chí có lương hưu, bà đã dành để mua vở, bút cho trò. Nhiều phụ huynh tỏ ý muốn đóng góp trả công bà, nhưng bà bảo, gia đình chăm sóc con khuyết tật đã khó khăn rồi, đừng lo những việc cỏn con ấy… Gặp bà Nam trước Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thấy khóe mắt cay cay khi nghe bà bảo: "Mừng lắm, vì học trò đã có đứa biết chủ động cầm hoa tặng rồi".
Đây chỉ là ba trong số hơn một triệu nhà giáo đang ngày đêm miệt mài trên bục giảng, cặm cụi gieo mầm tương lai, tạo hành trang cho lớp trẻ vững bước vào đời. Nhưng có lẽ, đến với lớp học của bà giáo già nhân hậu, HS khiếm thị, hay ngôi trường của nhiều HS "có cá tính", điều mà nhiều người quan tâm không phải là "chuyến đò" của các thầy, cô ấy có đến được đích hay không, mà là những nỗ lực đáng khâm phục của "người lái đò" và cả "khách đi đò" - những người đã cùng nhau vượt sóng gió cuộc đời để từng bước, từng bước tiến lên…
Chiều 19-11, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho nhà giáo Hồ Hương Nam, 81 tuổi ở quận Tây Hồ - người tự nguyện mở lớp học "Tình thương" dạy trẻ khuyết tật miễn phí trong suốt 16 năm qua. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hiệp Thống, việc làm của nhà giáo Hồ Hương Nam là vô cùng ý nghĩa đối với bản thân mỗi HS của lớp học "Tình thương" và của cả xã hội. Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, chính quyền địa phương và nhà trường tiếp tục tạo điều kiện để nhà giáo Hồ Hương Nam cống hiến. |