Thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm: Thiếu thực tế vì “bệnh” hình thức

Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 19/11/2013

(HNM) - Thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một phần quan trọng trong nội dung


Liên kết lỏng lẻo

Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm là vấn đề nan giải trong nhiều năm nay. Theo thống kê, trong 3 năm, từ năm 2009 đến 2012, có gần 400 nghìn sinh viên CĐ và khoảng 500 nghìn sinh viên ĐH tốt nghiệp các hệ đào tạo, trong đó đào tạo chính quy chiếm khoảng 65%. Tính đến cuối năm 2012, trong tổng số 984 nghìn người thất nghiệp có 55,4 nghìn người trình độ CĐ (5,6%) và 111,1 nghìn người có trình độ ĐH trở lên (11,3%). Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, nguyên nhân quan trọng là các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động, chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực. Việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên, họ lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động…

Sinh viên đăng ký tìm việc tại một hội chợ việc làm. Ảnh: Hải Anh


Để giải quyết một phần lỗ hổng về thông tin giữa các bên, từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và đưa thông tin này lên website của nhà trường trong nội dung "3 công khai" (công khai cam kết chất lượng đào tạo, nguồn lực phục vụ đào tạo, thu chi tài chính). Một số trường đã thực hiện quy định này, cho kết quả ở các mức độ khác nhau. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, có khoảng 25% sinh viên của trường có việc ngay sau khi tốt nghiệp, con số này sau 6 tháng tăng thành 80%. Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra con số chung chung là trên 90% sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đưa ra tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp lên tới 94,4%. Trong số sinh viên có việc làm, tỷ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là 85,2%, số sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng sau khi tốt nghiệp chiếm 14,2%.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số chi tiết, thông tin nhiều khi chỉ mang tính hình thức, kiểu như "phần lớn sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp". Trong khi đó, tại nhiều nền giáo dục ĐH, đây là tiêu chí quan trọng. Ở nhiều nước, bảng xếp hạng ĐH lấy căn cứ từ tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm với các thông tin về công việc, mức lương, công ty... Số liệu được cập nhật định kỳ sau mỗi niên học hoặc hằng năm.

Lấp lỗ hổng thông tin

Giải thích về sự thiếu hụt thông tin, lãnh đạo các trường đều cho rằng việc tổ chức thu thập thông tin rất khó thực hiện. Phần lớn các trường yêu cầu sinh viên để lại địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email khi nhận bằng tốt nghiệp để duy trì liên lạc. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa hai bên vẫn rất lỏng lẻo. Đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, cho tới nay, việc này được giao về cho từng khoa. Các khoa có trách nhiệm thống kê thông tin về sinh viên sau khi ra trường và nhà trường vẫn nhận được báo cáo hằng năm từ các khoa. Vị này cũng thừa nhận, rất khó tránh tình trạng nhiều khoa chỉ "làm cho có" vì nói chung quan hệ giữa nhà trường với sinh viên phần lớn phụ thuộc vào một vài sinh viên hạt nhân - chủ yếu là cán bộ lớp trước đây. Chưa kể là với sinh viên mới ra trường, địa chỉ và số điện thoại thường không ổn định, thông tin thu thập được thường có độ tin cậy không cao.

Một trong số ít các trường đã thực hiện khá kỹ công tác nói trên là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Giám đốc Trung tâm Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục của trường, ông Nguyễn Công Khanh cho biết, nhà trường thực hiện khảo sát từ năm 2008, bao gồm thống kê, nghiên cứu tình hình việc làm với các thông tin về chỗ làm, mức lương, thời gian tìm việc sau khi ra trường... Việc khảo sát được tiến hành hai đợt, trước khi sinh viên tốt nghiệp một tháng và sau đó một hoặc hai năm. Năm 2012, trường phát ra 1.692 mẫu nghiên cứu và có 14,9% số được hỏi đã không trả lời. Nhìn chung, kết quả sau vài năm cho thấy, mỗi năm trường có từ 1.500 đến 2.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ có khoảng 35% sinh viên phản hồi thông tin.

Những yếu tố nói trên dẫn đến thực tế là số liệu khảo sát của các trường thường khả quan hơn rất nhiều so với tình hình thực tiễn hoặc so với số liệu thống kê tình trạng việc làm do các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành. Điều này là do thống kê từ các trường khó bao quát được toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp, trong khi đó, số sinh viên chưa tìm được việc tham gia khảo sát thấp hơn nhiều so với số sinh viên đã có việc. Bên cạnh đó, dường như việc thống kê số sinh viên có việc làm đồng nghĩa với việc chỉ ra số sinh viên thất nghiệp, nên phần lớn các trường tỏ ra ngại đi vào cụ thể. Hơn nữa, thống kê là việc không đơn giản, đòi hòi nguồn nhân lực và tài chính nhất định. Theo ông Nguyễn Công Khanh, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc khảo sát, thống kê, công bố thông tin cần chi phí lớn, mỗi năm tới 100 triệu đồng.

Để có giải pháp trước tình trạng thất nghiệp nói chung và công tác thống kê tình hình việc làm nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên ĐH, CĐ tốt nghiệp mà chưa có việc làm. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã đưa ra 6 giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc ban hành quy định về công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục, tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực. Đến nay, đã có 150 trường ĐH, CĐ thành lập trung tâm tư vấn việc làm. Về cơ bản, việc thống kê không đơn thuần là cung cấp số liệu, mà còn liên quan đến nhiều khâu khác nhằm thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, bởi vậy, cần có giải pháp thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới.

Quỳnh Phạm