Trao Giấy chứng nhận chức danh cho 571 giáo sư, phó giáo sư
Giáo dục - Ngày đăng : 15:14, 18/11/2013
Năm 2013, với 749 ứng viên, sau khi xem xét, đánh giá và bỏ phiếu kín, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước xét công nhận 57 tân GS và 514 tân PGS, trong đó có 3 nữ GS (chiếm 5,62%); và 116 nữ PGS (chiếm 22,57%).
Đáng chú ý, có 6 PGS là người dân tộc thiểu số, trong đó có người 2 dân tộc Hoa, 3 người dân tộc Tày và 1 người dân tộc Thái.
Đồng chí Đinh Thế Huynh trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS năm 2013 cho các nhà khoa học. (Ảnh: VA) |
Theo tổng kết của HĐCDGSNN, có một điều thú vị là cho đến nay mới chỉ có 2 người trong nước được xét đặc cách GS, đó là TS. Trần Đình Hòa năm 2013 (ngành Thủy lợi) và TSKH. Phùng Hồ Hải năm 2012 (ngành Toán học). Cả hai đều sinh năm 1970, cùng quê Hà Tĩnh.
Điều thú vị thứ 2 là trong nhiều năm vừa qua, ít nhất là trong 5 năm gần đây, chưa từng có cặp vợ chồng nào được trao giấy chứng nhận PGS ở cùng một địa điểm vào cùng một thời điểm. Đó là tân PGS Nguyễn Anh Tuấn (54 tuổi) ngành Y học và tân PGS Ngô Kim Chi (50 tuổi), ngành Hóa học.
Nhận xét về đội ngũ GS, PGS năm nay, HĐCDGSNN cho rằng, mật độ phân bố các GS, PGS chưa hợp lý. Kể từ năm 2009 đến hết 2013, số tân GS, PGS ở Hà Nội chiếm 73,17%, ở TP.HCM là 10,84%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại tỷ lệ chỉ chiếm 15,99%.
Nhìn chung, các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn (nhưng vẫn chưa trẻ được như ở các nước phát triển). Trong 57 GS, người cao tuổi nhất là nữ TS Lê Nguyệt Nga, ngành TDTT, 72 tuổi; người trẻ nhất là TS Trần Đình Hòa, ngành Thủy lợi (43 tuổi); PGS cao tuổi nhất là TS Lê Văn Thơm, ngành Hóa học (72 tuổi). PGS trẻ nhất là TS Lê Anh Vinh, ngành Toán học (30 tuổi).
Theo thống kê, những tân GS, PGS trẻ nhất trong 4 năm qua hầu hết nằm trong lĩnh vực toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học, nhưng năm nay “đổi ngôi” sang ngành Thủy lợi. GS duy nhất của ngành Toán là TS Nguyễn Văn Quảng (56 tuổi). Cùng với Toán, những ngành như Luyện kim, Văn học, Cơ học, Dược học trong 5 năm qua có ít tân GS, PGS được bổ sung, ngược lại những ngành được bổ sung nhiều hơn là Y học, Kinh tế học, Khoa học Quân sự, Hóa học, Tâm lý học, Giáo dục học.
Phát biểu tại Lễ công bố, đồng chí Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng các nhà giáo – nhà khoa học được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và PGS năm nay. Đồng chí đánh giá cao nhiều tác giả của những công trình khoa học có giá trị, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Đặc biệt, trong số GS, PGS được công nhận đợt này, những cán bộ là giảng viên cơ hữu trong các trường đại học chiếm phần lớn, GS là 76,79%; PGS là 83%. Điều đó chứng tỏ, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các trường đại học ngày càng được nâng cao, đội ngũ cán bộ khoa học trẻ ngày càng trưởng thành và phát triển.
|
Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, chăm lo việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trí thức. Chủ trương xét công nhận chức danh khoa học, phong học hàm GS, PGS, xét công nhận chức danh GS, PGS trước đây và việc xét công nhân đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các nhà giáo – nhà khoa học hiện nay đều nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có phẩm chất và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng chí ghi nhận sự cố gắng của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trong thời gian qua đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng thủ tục và quy trình được quy định trong các văn bản pháp quy hiện hành trong việc xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu này, đồng chí Đinh Thế Huynh chỉ rõ đội ngũ trí thức có vai trò rất quan trọng, trong đó, các GS, PGS là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp giáo dục, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; góp phần xây dựng và rèn luyện một thế hệ trẻ say sưa học tập, đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học để chiếm lĩnh, làm chủ những tri thức và công nghệ mới, đồng thời có lòng yêu nước nồng nàn, có lý tưởng sống cao đẹp, sục sôi hoài bão và quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.
Đồng chí chúc sự nghiệp khoa học, sự nghiệp trồng người, sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước thu được kết quả ngày càng tốt đẹp hơn.