Nguồn vốn chính sách xã hội: Bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế
Tài chính - Ngày đăng : 06:14, 14/12/2022
Nguồn lực giảm nghèo, ổn định đời sống
Là chủ trại gà thương phẩm ở xã Thanh Bình (huyện Chương Mỹ), anh Nguyễn Gia Lượng gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm không duy trì được chăn nuôi. “Trước đây, gia đình tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nay lại được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm với số tiền 90 triệu đồng. Đây là nguồn vốn rất kịp thời, hữu ích, giúp gia đình tôi yên tâm khôi phục sản xuất, mở rộng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm”, anh Nguyễn Gia Lượng nói.
Chị Nguyễn Thị Thủy, dân tộc Mường ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) nhiều lần được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từ vay hộ nghèo, vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, vay hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đến vay giải quyết việc làm. Nhờ đó, từ một hộ nghèo lâu năm ở địa phương, đến nay, gia đình chị đã có cơ ngơi khang trang và đang nuôi 7 con bò sữa, cho thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn chính sách xã hội đã và đang hỗ trợ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Riêng theo thống kê của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ, tính đến hết tháng 11-2022, tổng nguồn vốn đạt 633 tỷ đồng, tăng 38 tỷ đồng so với năm 2021. Nguồn vốn chính sách xã hội đã bao phủ 100% xã, thị trấn của huyện, với hơn 5.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì đã giải ngân cho gần 6.850 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, trong đó có 599 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Nguồn vốn chính sách xã hội đã tạo và duy trì việc làm ổn định cho 3.250 người lao động… Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì Hoàng Văn Tứ cho biết: “Nguồn vốn chính sách tín dụng có lãi suất thấp, thời gian vay dài, không phải thế chấp tài sản đã trợ lực kịp thời, giúp người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình…
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Đánh giá về nguồn vốn chính sách xã hội trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho rằng, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là giải pháp có ý nghĩa lâu dài, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Ba Vì; đồng thời thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng còn là “đòn bẩy” để phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Để bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình chính sách tín dụng, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động vốn, tập trung nguồn lực tài chính. Đặc biệt, nguồn vốn của địa phương tăng nhanh từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh cho biết: Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự gia tăng đáng kể của nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua chi nhánh để bổ sung cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn...
Cũng theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, năm 2022, dự kiến doanh số cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đạt 5.480 tỷ đồng với trên 114.000 lượt khách hàng được vay vốn. Đáng chú ý, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 6.914 tỷ đồng, đạt 310% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2022. Có được kết quả này là nhờ sự đồng hành, hỗ trợ rất lớn từ thành phố và các địa phương. "Nhu cầu vốn chính sách tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội rất lớn. Do đó, sự đồng hành của thành phố và chính quyền địa phương là hết sức cần thiết. Chúng tôi kiến nghị thành phố tiếp tục bổ sung nhiều hơn nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội", bà Lê Thị Đức Hạnh nói.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, nguồn vốn chính sách xã hội không chỉ là nguồn lực giúp các hộ nghèo, các đối tượng chính sách vươn lên ổn định cuộc sống mà còn là công cụ, là giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; đồng thời thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.