Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, chính lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Chính trị - Ngày đăng : 09:56, 18/11/2013

(HNMO) - Sáng nay, 18/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Báo cáo do Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày.

Theo báo cáo, những vấn đề liên quan đến việc giữ nguyên tên nước, quy định vai trò lãnh đạo của Đảng trong hiến pháp; quy định về thu hồi đất, quy định về các tổ chức chính trị-xã hội… được tuyệt đại đa số ý kiến đại biển Quốc hội tán thành.

Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ và hội trường, Ban soạn thảo cũng đã chỉnh lý, hoàn thiện thêm một số nội dung như: bổ sung vai trò của doanh nghiệp bên cạnh doanh nhân;quy định Nhà nước chỉ trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai; bổ sung quyền hạn của Chính phủ trong việc đề xuất và trình Quốc hội thành lập mới, giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; bổ sung quy định việc thành lập mới, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; chỉnh lý quy định chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.

Hiến pháp mới nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).

Sau khi nghe báo cáo giải trình, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Hiến pháp mới với tinh thần để có bản hiến pháp tốt nhất, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với điều kiện phát triển đất nước ta trong giai đoạn mới.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư công.

Hồng Vân