Rau an toàn: Mỗi nơi đóng gói, bày bán một kiểu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 18/11/2013

(HNM) - Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, sản phẩm rau an toàn (RAT) sau khi sơ chế, chế biến phải được bao gói trong bao bì hợp vệ sinh... có nhãn mác, thông tin của nhà sản xuất... Tuy nhiên, người tiêu dùng lo ngại RAT liệu đã thực sự đáng tin cậy?



Thị trường RAT hiện đang thu hút được khá đông người tiêu dùng. Theo kinh nghiệm của người nội trợ, muốn mua RAT phải đến các cửa hàng từ buổi sáng bởi vào các buổi chiều, dường như các quầy, sạp RAT đều hết hàng. Lựa chọn và sử dụng RAT phải chăng là một lựa chọn thông thái và không thể khác, khi thông tin về ngộ độc thực phẩm, lạm dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm... quá nhiều?

Theo quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 104/2009/ QĐ-UBND ngày 24-9-2009 của UBND TP Hà Nội), quy trình sản xuất, sơ chế và kinh doanh RAT rất khắt khe. Để biết sản phẩm RAT có đạt "chuẩn" hay không, cần phải có sự kiểm tra, kiểm định của cơ quan chức năng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến khía cạnh nhỏ mà người tiêu dùng có thể tự thấy và kiểm chứng. Đó là khâu đóng gói và bày bán sản phẩm.

Khoản 4.6, Điều 4 quy định trên nêu: Sản phẩm RAT sau khi sơ chế, chế biến phải được bao gói trong bao bì hợp vệ sinh, chất liệu không gây ô nhiễm, có nhãn mác, niêm phong ghi rõ thông tin của nhà sản xuất (tên, địa chỉ, điện thoại, thương hiệu, hạn sử dụng). Quy định này tưởng như là đơn giản nhưng không phải sản phẩm RAT nào khi đến tay người tiêu dùng cũng bảo đảm.

Tại hệ thống Siêu thị Fivimart, các loại rau xanh được bày bán thuộc hai cơ sở sản xuất là HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đạo Đức (thôn Đông, xã Vân Nội, huyện Đông Anh) và Công ty cổ phần XNK nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (số 197 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Các sản phẩm rau tươi đều được đựng trong túi ni lông, có đầy đủ thông tin nhà sản xuất nhưng lại không có ngày đóng gói (sản xuất) cũng như hạn sử dụng. Trong khi đó, cũng là sản phẩm rau củ tươi của hai cơ sở sản xuất này được bày bán tại hệ thống Siêu thị Intimex thì lại có thông tin về ngày đóng gói bên cạnh thông tin về nhà sản xuất.

Tại hệ thống Hapro, RAT được đóng gói trong bao bì mang thương hiệu Hapro và cũng không có thông tin về ngày đóng gói, hạn sử dụng... Tại các cửa hàng thực phẩm an toàn khá được các bà nội trợ tin dùng hiện nay như "Rau và quả an toàn" (122 phố Đội Cấn, quận Ba Đình), "Bác Tôm" (số 6 phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng)..., rau, củ, quả tươi được bày theo mớ, theo rổ cho người mua lựa chọn hoặc được đựng trong những túi không có nhãn mác và các thông tin đã được quy định khác. Chỉ khi khách đã mua, thực phẩm mới được để trong túi có tên cửa hàng hoặc trong túi ni lông thông thường.
Một địa chỉ thực phẩm an toàn lớn nữa là BigC. Tuy nhiên, số rau củ tươi được đóng gói trong bao bì với đầy đủ thông tin theo đúng quy định rất ít. Phần lớn rau được bày thẳng trên kệ, khách tự lựa chọn rồi bỏ vào túi ni lông. Một vài mặt hàng được bó thành mớ bởi một dây ni lông có in thông tin Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ (xóm Chữ, Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) nhưng nhiều loại rau vẫn được bó bằng lạt hoặc nẹp tre theo phương thức truyền thống.

Tất nhiên, để được bày bán tại các quầy rau của siêu thị hay tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, rau củ tươi phải qua một quy trình kiểm soát đầu vào theo quy định và bản thân các cơ sở kinh doanh này cũng phải bảo đảm điều kiện hạ tầng. Song, quy định phải được tuân thủ. Một khi đã có điều khoản về việc đóng gói và thông tin trên bao bì sản phẩm RAT, thì không thể có sự thực hiện không đồng nhất giữa các cơ sở kinh doanh, dẫn đến tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Trần Hiệp