Bao giờ hết cảnh đìu hiu?

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:37, 18/11/2013

(HNM) - Vui vài bữa, buồn cả năm là vấn đề đang tồn tại ở dự án xây dựng Làng văn hóa các dân tộc (LVHCDT) Việt Nam rộng tới 1.544ha tại Đồng Mô.


Vui vài bữa, buồn cả năm

Theo Ban quản lý (BQL) khu các làng dân tộc, thuộc LVHCDT Việt Nam, trong 9 tháng năm 2013, đơn vị đã đón tiếp 612 đoàn khách, khoảng 32.500 lượt người. Con số này tăng gần gấp đôi so với năm 2012 (đón khoảng 300 đoàn khách với 20.000 lượt người). Nếu so với một trung tâm văn hóa, du lịch đang trong giai đoạn hoàn thiện thì đây quả là con số mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, các đoàn khách và lượng du khách đến đây chủ yếu chỉ tập trung một năm vài lần khi tổ chức những sự kiện lớn. Đơn cử trong năm 2013, LVHCDT Việt Nam đã tổ chức "Sắc xuân trên mọi miền đất nước" từ ngày 3 đến 7 Tết Nguyên đán, đón hàng nghìn người đến từ mọi miền Tổ quốc. Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4-2013) cũng thu hút khá đông đồng bào tới dự và tham quan. Và trong ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam hướng tới kỷ niệm ngày thành lập MTTQ Việt Nam và ngày Di sản văn hóa dân tộc Việt Nam dự kiến tổ chức từ ngày 18 đến 23-11, "làng" chuẩn bị đón tiếp hàng nghìn lượt khách tới tham quan.

Làng văn hóa với những công trình đang bị coi là xuống cấp vì thiếu kinh phí.



Ngoài thời gian tổ chức những sự kiện nêu trên, nơi đây "vắng như chùa bà Đanh". Cả khu làng chỉ xuất hiện vài bóng bảo vệ và nhân viên, cán bộ ở khu nhà văn phòng. Nhiều du khách đến đây một lần, không muốn quay lại, cảnh đìu hiu lại càng thêm nao lòng khi được điểm xuyết bởi mấy ngôi nhà bị tốc mái, vài mảng tường đất bị bong tróc, vật liệu xây dựng, đất đá vương vãi nhiều nơi.

Điều đáng quan tâm là theo kế hoạch dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2015 nhưng đến nay một số hạng mục chưa thi công được bao lâu đã xuống cấp. Mới xảy ra mấy trận mưa lớn và gió to do ảnh hưởng của cơn bão số 14 đã làm tốc mái nhiều ngôi nhà của người Ba Na, Cơ Tu, Chứt và làm tróc tường đất ngôi nhà người Pupéo. Vài hạng mục dở dang ngổn ngang bên cạnh những hạng mục đã hoàn thành nhưng bỏ hoang khiến không gian của làng càng thiếu sinh khí. Chiều 15-11, đi một vòng quanh khu các làng dân tộc, chúng tôi thấy vài công nhân đang sửa lại mái nhà của người Ê-đê, nhiều người đang dựng rạp để chuẩn bị cho ngày Đại đoàn kết các dân tộc bắt đầu từ hôm nay (ngày 18-11). Thế nhưng không gian của làng chỉ bớt cô quạnh một chút mà thôi.

Vẫn chỉ là ý tưởng

Theo lãnh đạo BQL khu các làng dân tộc, số lượng khách chưa phản ánh được ý nghĩa của làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ý tưởng đầu tiên của dự án là thu hút tinh hoa vật thể và phi vật thể của "con Rồng, cháu Tiên" trong quần thể khu làng với kiến trúc đặc trưng của từng cộng đồng dân cư. Mục đích là để tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam. Ngoài ra, dự án còn có mục đích là tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của người dân trong nước và du khách quốc tế; đồng thời, xây dựng một trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có tầm cỡ quốc gia.

Dự kiến, năm 2015, LVHCDT Việt Nam sẽ hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng. Với khoảng cách hơn 60km đi gần 1 giờ ô tô tính từ trung tâm Hà Nội, nhiều người những mong muốn LVHCDT sẽ vừa là trung tâm văn hóa lớn vừa là điểm du lịch hút khách. Nhưng thực tại ở đây lại cho thấy điều ngược lại.

Những ngày cuối tuần, vài cặp cô dâu chú rể chọn những khu vực có cảnh non nước hữu tình để ghi lại những thời khắc hạnh phúc của đời người. Cụm di tích được các bạn trẻ yêu thích tìm tới nhất là quần thể tháp Chăm và ngôi chùa Khmer. Ngày 15-11, chúng tôi gặp nhóm bạn Trường Trung cấp Y Sơn Tây đến tham quan khu làng các dân tộc. Các bạn trẻ tỏ ra vô cùng thích thú khi được chụp ảnh lưu niệm trước quần thể chùa Khmer đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khi biết trong ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam sắp tới sẽ có một vị cao tăng từ Sóc Trăng ra trụ trì tại ngôi chùa này, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch quay trở lại vào tuần tới để tham quan. Bạn Thu Hương ở Sơn Tây cho biết, hễ có dịp rảnh rỗi là lại tới khu làng văn hóa chơi vì cảnh đẹp và biết thêm được nhiều điều bổ ích.

Những nhóm du khách trẻ đến nơi đây không nhiều. Nhiều du khách không chỉ xả rác ra quần thể di tích mà còn dùng cả dao để khắc tên lên tượng nhà mồ Tây Nguyên và vì cột, vì kèo những ngôi nhà gỗ. Một bảo vệ của BQL cho rằng việc quan trọng nhất của người làm bảo vệ là nhắc nhở người dân về ý thức phòng cháy chữa cháy bởi hầu hết nhà người dân tộc đều có kết cấu bằng gỗ, lợp cỏ tranh nên rất dễ bắt lửa. Do vậy, bảo vệ BQL thường xuyên nhắc nhở những tốp thanh niên đi xe máy từ Sơn Tây, Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận tới tham quan chụp ảnh. Ý thức gìn giữ văn hóa và vệ sinh môi trường của du khách quá kém đã khiến BQL phải chi trả thêm lương để bố trí bảo vệ túc trực thường xuyên tại các ngôi làng dân tộc.

Hòa vọng vẫn chưa tới

Lãnh đạo BQL khu làng văn hóa cũng phải thừa nhận, nhiều quần thể làng còn để không hoặc bị hư hỏng, xuống cấp nhưng không được tu sửa là do thiếu kinh phí. Trong hai năm 2011 và 2012, Bộ Tài chính mới chỉ cấp 25% kinh phí theo kế hoạch. Ngay như phòng làm việc của Giám đốc BQL khu làng các dân tộc Nguyễn Quang Lâm cũng không có điện thoại, không có máy tính và không có internet.

Tuy nhiên, dưới con mắt của những người làm văn hóa, kể cả khi cấp đủ kinh phí để làng hoạt động thì cũng rất khó để có thể sống được nếu thiếu nội dung hoạt động và không có cơ chế hợp lý. Theo một lãnh đạo của khu các làng văn hóa, hiện nay, khu này còn thiếu một đề án nội dung gồm những mục chính là: ca vũ, lễ hội và trò chơi của các dân tộc; trang phục dân tộc; ngôn ngữ, giao tiếp; ẩm thực dân tộc. Để những nội dung này trở nên sinh động thì bắt buộc phải có sự hiện diện của chủ thể văn hóa - đồng bào dân tộc. Nếu không có chủ thể văn hóa mọi thứ đều chỉ để trưng bày. Nhưng để chủ thể văn hóa có mặt tại làng lại không phải là chuyện dễ. Mọi thứ liên quan từ kinh phí đi lại, tiền ăn, nơi ở đều phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lãnh đạo BQL khẳng định nếu cho họ một cơ chế hoạt động kiểu như Bảo tàng Dân tộc học đang thực hiện thì trong nay mai việc để khu làng văn hóa các dân tộc Việt Nam thành địa chỉ hút khách sẽ sớm thành hiện thực. Mơ ước này không phải lạc quan sớm khi ngay từ bây giờ dù mọi việc đang còn ngổn ngang nhưng nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn của "làng" để mạnh dạn đề xuất đầu tư dịch vụ đi kèm như vui chơi, giải trí, dịch vụ xe điện đưa du khách đi tham quan quần thể hàng trăm héc ta…

Hòa vọng vẫn chưa tới. LVHCDT Việt Nam vẫn còn không ít vấn đề để thật sự trở thành một địa chỉ văn hóa tin cậy, giàu sức hút.

Nguyễn Tùng - Dương Hiệp