Nỗi buồn của bà ngoại

Xã hội - Ngày đăng : 07:44, 17/11/2013

Bà chỉ có một mình mẹ tôi. Khi sinh ra, mẹ nặng vỏn vẹn 1,9kg. Bà nuôi rất vất vả vì mẹ ốm đau triền miên. Lên 9 tuổi, mẹ lại bị thấp khớp.



Bố tôi lái tàu hỏa, thời gian ở nhà rất ít. Mẹ tôi làm ở văn phòng luật sư nên công việc khá bận, hiếm khi mẹ ngồi nói chuyện hay tâm sự cùng bà. Cả tôi cũng vậy, chỉ gọi bà khi cần tìm đồ dùng gì đó hoặc hỏi bà khi không biết đường đến chỗ này, chỗ kia… Bà làm việc suốt ngày nhưng chưa bao giờ ca thán một câu. Tôi nhớ, có lần bà bị mệt, mẹ tôi hỏi thăm bà vài câu rồi vội vã dắt xe đi làm. Mẹ dặn tôi: "Ở nhà, con hỏi bà muốn ăn gì thì mua cho bà nhé". Tôi vâng lời mẹ, nhưng khi tôi hỏi thì bà bảo: "Bà không thèm gì cả, cứ ngồi cạnh bà là bà khỏe rồi"... Sau vài ngày nghỉ ngơi, bà tiếp tục dậy sớm lo việc nhà.

Thời gian trôi, bà tôi giờ đã ngoài bảy mươi tuổi, yếu đi rõ rệt. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm đã khiến bà phải bỏ hẳn công việc thường ngày. Bố tôi vẫn đi làm xa, mẹ tôi vẫn vội vã tất bật với công việc, còn tôi, ngoài giờ học ở trường ra, tôi còn đi học thêm nên ít có thời gian ở gần bà. Bố mẹ tôi thuê một chị giúp việc để làm việc nhà. Những ngày phải nằm một mình là khoảng thời gian vô vị và buồn bã nhất của bà.

Rồi một ngày, bà tôi bị tai biến và cấm khẩu. Bà chỉ dùng ánh mắt để truyền đạt ý nghĩ của mình. Cả bố và mẹ tôi đều xin nghỉ phép để chăm sóc bà, nhưng ai cũng biết khoảng thời gian gần gũi bà không còn được lâu nữa…

Hôm ấy, bà tỏ ra rất mệt. Tôi ngồi lặng bên bà ngoại, chợt nhận ra rằng, chỉ cần bố mẹ và tôi dành chút ít thời gian bên cạnh bà, tâm sự, trò chuyện với bà thì có lẽ bà đã không buồn đến thế. Khi còn khỏe, điều mong muốn duy nhất của bà là gia đình được quây quần bên nhau, nhưng mọi người đã không làm được điều đó. Tôi nắm tay bà, nói chậm từng câu để bà nghe rõ. Tôi muốn nói thay cho mẹ nữa: "Bà ơi, từ bây giờ, mẹ con cháu sẽ luôn ở bên cạnh bà, cháu sẽ kể chuyện cho bà nghe như ngày nào bà vẫn kể cho cháu nghe, bà nhé!". Tôi chợt thấy mắt bà sáng lên, miệng hơi mỉm cười. Có lẽ, bà đã hài lòng và tha thứ cho chúng tôi.

Phan Hoàng Bảo Lan