Phát triển Hội Sinh viên: Khó từ quy định

Giáo dục - Ngày đăng : 07:37, 17/11/2013

(HNM) - Cả nước hiện có khoảng 2,2 triệu sinh viên, học tập tại hơn 440 trường đại học, học viện, cao đẳng... Tuy nhiên, việc thành lập các tổ chức hội mới tại các trường đang gặp khó khăn do sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định liên quan.

Sinh viên luôn đi đầu trong nhiều phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Viết Thành



Chỉ tiêu bị "treo" vì quy định

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên TP Hà Nội Nguyễn Thiên Tú cho biết, nhiệm kỳ 5 năm vừa qua (từ 2008-2013), Hội đề ra chỉ tiêu thành lập mới 5 hội sinh viên cấp cơ sở. Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện được. Nguyên nhân do sự chồng chéo giữa các văn bản hiện hành. Cụ thể, theo Điều lệ Hội Sinh viên Việt Nam, việc thành lập hội sinh viên cấp cơ sở do hội sinh viên cấp trên ra quyết định. Nhưng Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21-4-2010 lại quy định, Hội Sinh viên Việt Nam là do Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập; Hội Sinh viên TP Hà Nội do Sở Nội vụ ra quyết định thành lập. Điều này chưa đúng với quy định trong điều lệ của hội sinh viên đã có từ trước đó.

Điều 5 của Nghị định 45/2010/ NĐ-CP còn quy định: "Hội mới lập phải không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ". Nhưng, trên thực tế, hiện nay trong cả nước đều đã có rất nhiều tổ chức hội sinh viên cấp trường, thậm chí có hội sinh viên cấp tỉnh, thành phố. Như vậy, nếu chiếu theo điều này, hội sinh viên các trường sẽ không được thành lập mới để tránh việc trùng lặp. Trong khi đó, hiện nay nhiều trường có từ 600 sinh viên trở lên, rất cần được thành lập hội sinh viên. Bởi không có hội sinh viên, nhiều hoạt động của sinh viên sẽ dồn vào hoạt động đoàn thanh niên và câu lạc bộ của trường, gây quá tải cho hoạt động của đoàn trường.

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, sinh viên rất cần tham gia hoạt động của hội để được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, khả năng tự tin, năng động và mở rộng các mối quan hệ, cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy nêu ý kiến, hội sinh viên là tổ chức chính trị xã hội của giới sinh viên, không nên đưa chung vào quản lý với các hội xã hội, nghề nghiệp khác, nên để TƯ Hội Sinh viên chỉ đạo, chi phối mọi hoạt động của các cấp hội sinh viên như trước là hợp lý nhất.

Mong muốn chính đáng

Chánh Văn phòng Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, về những bất cập tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Sở đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ, đồng thời đang tiếp tục ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các ban sáng lập của các trường đại học, cao đẳng để đề nghị cấp có thẩm quyền trình Chính phủ xem xét sửa đổi lại một số quy định cho phù hợp với thực tế.

Nói về tính thiết thực, sự cần thiết thành lập hội sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, TSKH Nguyễn Trọng Do, Chủ nhiệm khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, hội sinh viên là cầu nối để sinh viên có điều kiện hình thành các kỹ năng sống cũng như các kỹ năng mềm khác. Do vậy, với tư cách là người làm công tác giáo dục, ông rất quan tâm đến việc thành lập, tổ chức hoạt động, phát huy vai trò của các phân hội sinh viên.

Bí thư Đoàn khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, trước những bất cập về việc thành lập mới tổ chức hội sinh viên, để hội đứng ra làm đầu mối cho các hoạt động của sinh viên, đáp ứng mong mỏi của sinh viên trong toàn khoa, cán bộ của khoa một mặt cố gắng "gánh" các mặt hoạt động của hơn một nghìn sinh viên, mặt khác vẫn nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, tiến hành các thủ tục xin phép thành lập hội. Nhưng rút cuộc, gần 6 năm trôi qua, mặc dù đã thành lập được Ban vận động thành lập hội sinh viên và đã qua 3 "đời" trưởng ban vận động mà việc vẫn chưa thành. Tương tự, một số trường đại học như Đại học Thành Đô; Đại học Công nghệ… không chỉ chuẩn bị chu đáo thủ tục thành lập hội, mà còn thành lập được Ban vận động thành lập hội sinh viên, nhưng cũng không thể thành lập hội. Thậm chí, có những sinh viên vào trường, rồi ra trường mà cũng chưa từng được sinh hoạt trong tổ chức hội chính đáng của mình.

Mong muốn của thầy và trò các trường cũng chính là mong muốn của Hội Sinh viên TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, những vướng mắc trên cần sớm được các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các trường được thành lập hội sinh viên, đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo sinh viên.

Kiều Oanh