Miền Trung ngập chìm trong nước lũ
Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 17/11/2013
Lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum và Gia Lai đã đạt đỉnh và đều ở mức báo động 3 và trên báo động 3. Để ứng phó với mưa lũ, trong đêm 15 và ngày 16-11, các tỉnh miền Trung đã sơ tán hàng chục nghìn người dân đến nơi an toàn.
Nước chảy tràn qua nhiều đoạn trên quốc lộ 1A địa bàn tỉnh Bình Định. |
Trong ngày 16-11, nhiều nơi đã ngớt mưa nhưng do nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp với các thủy điện xả nước từ tối 15 đến sáng 16-11 đã làm lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế, Phú Yên vẫn còn ở mức cao. Hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đều bị ngập trên mức lũ lịch sử, hàng chục nghìn nhà dân ngập chìm trong nước; 31 người chết và mất tích; giao thông bị chia cắt... Tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng nề nhất, theo thống kê đến chiều 16-11 Bình Định đã có 11 người chết và 2 người mất tích. Tuyến tỉnh lộ 637 lên huyện Vĩnh Thạnh bị chia cắt do bị sập 2 cầu. Xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn bị chia cắt, cô lập do sạt lở đường tránh hồ Định Bình. Tại huyện An Lão đã xảy ra lũ quét tại các xã vùng cao An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang. Nước lũ còn chia cắt tại các xã vùng thấp như An Hòa, An Tân. Trong ngày 16-11, tỉnh Bình Định tiếp tục sử dụng ca nô của lực lượng vũ trang cứu người dân đến nơi an toàn. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có hơn 11.000 nhà bị ngập. Mực nước ở sông Bồ dâng cao khiến nhiều khu dân cư các xã Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng An... bị nhấn chìm và bị chia cắt hoàn toàn. Trong ngày 16-11, để hạn chế những thiệt hại do lũ gây ra, huyện Quảng Điền đã huy động nhân dân cùng lực lượng bộ đội, công an tiến hành đắp những đoạn đê và đường bị sạt lở nặng nhất. Tuy nhiên, nước lũ dâng cao tràn qua đê, nguy cơ gây sạt lở nặng. Tại Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm 13 người chết; 9 xã thuộc 3 huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành bị cô lập do mưa lũ. Tại huyện miền núi Ba Tơ có mưa to, đã xảy ra lũ quét ở một số địa phương, nhiều nơi bị sạt lở núi nên người dân bỏ nhà chạy lũ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giúp dân di dời được 12.278 hộ với 47.635 nhân khẩu.
Tại Quảng Nam, mưa lũ đã làm 2 người chết. Trong ngày 16-11, mưa, lũ vẫn làm ngập lụt tại 29 xã thuộc 4 huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn và Duy Xuyên. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời được 2.504 hộ với 4.801 nhân khẩu đến nơi an toàn. Mưa lớn cùng với lũ quét khiến tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14E, qua tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nhiều đoạn. Ngầm sông Trường trên tỉnh lộ 615 từ thành phố Tam Kỳ đi các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My bị ngập, chia cắt huyện vùng cao Nam Trà My và một số xã Bắc Trà My. Ngày 16-11, lượng mưa ở miền núi tỉnh Quảng Nam đã giảm, các hồ thủy điện trên địa bàn giảm lưu lượng xả lũ. Tỉnh Phú Yên cũng chịu cảnh ngập nặng do thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn. Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Phú Yên, mưa lũ đã làm 1 người mất tích, 13 ngôi nhà bị sập, nhiều diện tích lúa mùa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, hư hại... Tại Kon Tum, mưa lũ đã cuốn trôi chị Y Hiên (38 tuổi ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) khi đang trên đường đi làm rẫy trở về, thi thể đã được tìm thấy.
Lực lượng đoàn viên thanh niên vượt lũ mang hàng cứu trợ cho người dân tại xã An Phú (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Bích Tram |
Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến sáng 16-11, đã có 15 hồ thủy điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên xả tràn. Ngoài ra, có 12/44 hồ chứa thủy lợi đã đầy và qua tràn. Trong khi đó ở các tỉnh Tây Nguyên có 10/15 hồ lớn đã đầy và qua tràn. Dung tích hồ thủy lợi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam phổ biến đạt khoảng 85% so với thiết kế, các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang tích nước 60-80% so với thiết kế.
Cơ quan khí tượng cho biết, lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến bắc Khánh Hòa đang xuống; đồng thời cảnh báo các địa phương cần đề phòng sạt lở đất tại vùng núi, ven sông...