Bài 2: Chính sách cần rõ ràng

Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 17/11/2013

(HNM) - Trước bức xúc về vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC), cuối năm 2012, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến GSGC trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Tuy nhiên, để thực hiện tốt quy hoạch này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và sự ủng hộ của toàn dân.

Hỗ trợ địa điểm, nguồn vốn

Ngày 12-12-2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5791/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến GSGC trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2016, khoảng 50% sản phẩm được quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và đến năm 2020, khoảng 80% sản phẩm được quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm an toàn rộng khắp trong nội thành, nội thị. Để thực hiện được mục tiêu này, từ năm 2013 đến năm 2016 phải hình thành, đi vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ tập trung ở các huyện: Đông Anh, Chương Mỹ, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai… Ngoài ra, mỗi huyện trên cần chủ động bố trí địa điểm để xây dựng 1-2 cơ sở giết mổ tập trung, đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào quản lý. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án xây dựng mới cơ sở giết mổ tập trung vẫn còn nhiều vướng mắc.

Xe chở lợn thương phẩm không được đóng gói theo đúng quy định.Ảnh: Bảo Kha



Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh (Thanh Oai) Nguyễn Duy Nhu, hiện trên địa bàn xã có 217 hộ giết mổ GSGC, nằm xen kẽ trong khu dân cư, cung cấp khoảng 30 tấn thịt các loại cho nội thành Hà Nội. Nhằm đưa các cơ sở giết mổ này ra khỏi khu dân cư, tập trung thành khu riêng, thành phố đã quy hoạch khu giết mổ cho địa phương tại khu vực Đồng Hới với diện tích 4,3ha. Mặc dù dự án đã được triển khai nhưng đến nay vẫn án binh bất động vì vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và vốn đầu tư xây dựng. Hầu hết các huyện chưa bố trí được quỹ đất; có địa phương thì thiếu nhà đầu tư như ở huyện Phúc Thọ đã quy hoạch được khu giết mổ song không có doanh nghiệp nào đứng ra làm. Còn ở huyện Sóc Sơn có doanh nghiệp muốn làm, nhưng huyện lại chưa bố trí được địa điểm xây dựng.

Theo các chuyên gia, để có địa điểm xây dựng các lò giết mổ tập trung, các huyện cần phải ưu tiên bố trí quỹ đất công. Trên cơ sở xã hội hóa đầu tư, ban hành các quyết định có tính đặc thù nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ theo quy hoạch cần thông tin, tuyên truyền sâu rộng Quyết định 5791 để mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nắm rõ về cơ chế hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng. Sở NN&PTNT cần làm tốt công tác quy hoạch chăn nuôi, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, tránh đầu tư dàn trải, không đúng quy hoạch. Về nguồn vốn, bà Tô Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội cho biết, thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án an sinh xã hội của thành phố, quỹ đang phối hợp với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giúp họ tiếp cận với nguồn vốn vay. Hiện quỹ đã cho cơ sở giết mổ Vinh Anh (Từ Liêm) vay hơn 50 tỷ đồng đầu từ xây dựng lò giết mổ công nghiệp… đang phát huy hiệu quả tốt.

Cần xử lý nghiêm minh

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền, để các lò giết mổ công nghiệp có thể hoạt động, mặc dù chính sách của thành phố đã có nhưng cần có sự hướng dẫn cụ thể về thủ tục hành chính, sao cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi. Ngoài ra, muốn xóa bỏ các lò giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt, xử lý tận gốc các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kiểm tra sát sao tại các chợ và xử lý nghiêm những trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch để thương lái có ý thức vào các lò mổ công nghiệp lấy thịt bán cho người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, để đạt được mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung và từng bước tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giết mổ công nghiệp. Hiện thành phố đang hỗ trợ xử lý nước thải cho 4 cơ sở giết mổ: Vinh Anh, Minh Hiền, Foodex, Harpo với kinh phí hơn 100 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013. Thành phố và huyện Đan Phượng đang làm thí điểm mô hình giết mổ công nghiệp trên cơ sở cải tạo, hỗ trợ kinh phí cho cơ sở giết mổ của Công ty Thực phẩm Foodex và hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển, nhằm đưa hơn 100 hộ giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn vào giết mổ tập trung. Dự kiến mô hình thí điểm này sẽ hoàn thành trong năm 2013, tạo "cú huých" cho các huyện xây dựng và cải tạo lò giết mổ tập trung, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra các huyện khác.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở NN&PTNT xây dựng dự thảo đề án quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014-2020, nhằm từng bước xóa bỏ các lò giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, đồng thời quản lý tốt hoạt động giết mổ. Nhiều ý kiến cho rằng, đề án giết mổ mới cần phải sát với thực tế, có chính sách hỗ trợ rõ ràng, cụ thể, tránh tình trạng đầu tư hiện đại, rồi tiếp tục đi theo vết xe đổ của các dự án giết mổ trước đây.

Nhóm PV Nông nghiệp