Chính sách nông nghiệp phải bắt đầu từ thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 17/11/2013

(HNM) - Bên lề kỳ họp QH, ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định, chỉ khi Chính phủ, QH có chính sách ưu tiên, hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo quản nông sản sau thu hoạch; đầu tư nghiên cứu tín hiệu thị trường thì hàng Việt Nam mới có cơ hội vươn rộng ra thị trường thế giới.


- Thưa ông, đến thời điểm này bà con nông dân miền Bắc đã cơ bản hoàn thành việc thu hoạch lúa mùa. Thế nhưng làm gì để kích cầu tiêu thụ sản phẩm là vấn đề "nóng" ngành nông nghiệp đang đặt ra. Ông có đề xuất gì để tránh điệp khúc được mùa mất giá?

- Tôi cho rằng, để công tác thu mua nông sản hiệu quả phải có sự kết hợp hài hòa giữa đơn vị thu mua với bà con nông dân. Theo đó, chính sách của Nhà nước phải bắt đầu từ việc tiếp cận ngành lúa gạo ở góc độ thị trường, từ việc khuyến khích DN nhà nước có đầu óc kinh doanh liên kết với nông dân tham gia vào quá trình sản xuất, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu rồi bao tiêu sản phẩm…

- Ngoài vấn đề tìm thị trường tiêu thụ, theo ông cần có thêm giải pháp gì để nông sản làm ra được bảo đảm giá trị, chất lượng trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp hiện nay?

- Hiện nước ta có hàng nghìn cây ăn quả, ngành rau quả cũng nhập và trồng được nhiều giống mới ở nước ngoài có thể chế biến thành nước uống rất ngon và bổ dưỡng. Thế nhưng công nghệ bảo quản sau thu hoạch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhiều mô hình mới mang tính chất thử nghiệm. Chính phủ cần có chính sách miễn thuế, giảm thuế để khuyến khích đầu tư công nghệ, khoa học vào lĩnh vực này, giúp nông sản Việt Nam đỡ thất thoát trong việc bảo quản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tìm được thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, quá trình điều hành cũng cần phải có chiến lược nhìn ra thế giới, xem họ đang thiếu gì. Đơn cử, ở một số nước thường vào mùa đông tuyết rơi, không phát triển nông nghiệp được, trong khi sản phẩm nông nghiệp của ta có suốt 12 tháng. Vậy cùng với việc đầu tư dự trữ hàng hóa, phải có kho bảo quản lúa, gạo, rau, củ, quả. Nghĩa là cùng với việc tái cơ cấu nền nông nghiệp đã có, cần kết hợp thêm với chiến lược về khoa học.

- Trong báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận "trụ đỡ" cho nông nghiệp còn yếu, vậy cần có thêm giải pháp nào thưa ông?

- Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, vai trò của nông nghiệp càng được Đảng và Nhà nước quan tâm để một mặt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mặt khác là mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, có một mâu thuẫn là dù đã tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn nhưng đời sống của người nông dân vẫn khó khăn. Nghị quyết về kinh tế xã hội vừa được QH thông qua lần này cũng nhấn mạnh ưu tiên cho nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên theo tôi, cần nghiên cứu đầu tư có trọng điểm ở tầm vĩ mô chứ không phải đầu tư ồ ạt, thiếu tập trung. Chỉ khi nghiên cứu tín hiệu thị trường một cách chủ động, có chính sách cấp vùng và cấp toàn quốc đối với từng sản phẩm đặc thù, có giá trị xuất khẩu và xác định rõ vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị thì nông sản Việt Nam mới có chỗ đứng vững chắc trong nước và trên thị trường thế giới.

Hà Phong