Chế định quy trình phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư công
Chính trị - Ngày đăng : 10:43, 16/11/2013
Chế định quy trình, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư
Dự thảo Luật Đầu tư công được Chính phủ trình bao gồm 6 chương, 85 điều với nhiều nội dung đổi mới.
Phạm vi điều chỉnh Luật bao quát được việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại đầu tư nhưng không đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài.
Riêng về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được chế định trong Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Một nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công là dự án Luật đã dành toàn bộ Chương II để chế định các nội dung, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, trên cơ sở xem xét quyết định đầu tư có căn cứ khoa học hơn; quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; điều kiện và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án khác. Đây là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án, nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, dự luật bổ sung những nội dung liên quan đến việc tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công. Việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn trong Luật Đầu tư công sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.
Dự án Luật Đầu tư công được ban hành sẽ bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện chương trình, dự án Đầu tư công; từ khâu đầu tiên là xác định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện dự án, đến khâu cuối là đánh giá hiệu quả, quản lý chương trình, dự án sau đầu tư. Đồng thời, đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Các nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các chương trình, dự án, cũng như các nguyên tắc lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của từng nguồn vốn bảo đảm việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún hiện nay.
Dự thảo Luật dành một chương quy định các nội dung về triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành, nhất là đánh giá sau đầu tư. Đây cũng là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công được quy định trong Luật, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự luật tiếp tục đổi mới hoàn thiện quy chế phân cấp quản lý đầu tư công phân định quyền hạn đi đôi với trách nhiệm của từng cấp. Trên cơ sở giữ các nguyên tắc về phân cấp quản lý đầu tư công, quyền hạn của các cấp, các ngành như hiện nay, Dự án Luật đã chế định một cách có hệ thống về quyền hạn và trách nhiệm của các cấp trong toàn bộ quá trình đầu tư của các Chương trình, dự án, từ lập kế hoạch, phê duyệt, đến triển khai theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đồng thời, quy định rõ giữa trách nhiệm thẩm định nguồn vốn và quyền quyết định đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền chỉ quyết định đầu tư sau khi có thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn.
Dự thảo Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư công; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, cũng như người đứng đầu các tổ chức, cơ quan có liên quan đến quản lý đầu tư công.
Xác định cụ thể hơn nữa trách nhiệm cá nhân
Thẩm tra dự án Luật Đầu tư công, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với bố cục và kết cấu của dự án Luật, quy định thống nhất việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ xác định chủ trương đầu tư đến đánh giá, giám sát chương trình, dự án đầu tư công; đồng thời cũng quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư công.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, có ý kiến cho rằng, các nội dung điều chỉnh như dự án Luật mới chỉ đề cập chủ yếu về chủ trương và kế hoạch đầu tư công, các nội dung về thẩm định dự án đầu tư chưa cụ thể; trong khi mục tiêu ban hành Luật là tạo cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý nhà nước về toàn bộ quá trình đầu tư công từ khâu phê duyệt chủ trương đến khâu giám sát, thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào dự án Luật các quy định cụ thể để triển khai toàn bộ quá trình đầu tư công như mục tiêu đã đề ra.
Về chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư như dự luật nhưng đề nghị Chính phủ rà soát các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn về hồ sơ, tiêu chí, cách thức quyết định chủ trương đầu tư được quy định trong Nghị quyết số 49/2010/QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư quy định vào dự án Luật này. Đồng thời, cân nhắc chỉ quy định về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư (phê duyệt báo cáo dự án tiền khả thi) đối với các dự án, chương trình quan trọng quốc gia và nhóm A. Việc quy định thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và cả nhóm C do thủ tục sẽ ảnh hưởng đến quá trình đầu tư.
Về nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công, có ý kiến đề nghị xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể hơn nội dung này vì dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến việc phân cấp đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định nguồn vốn mà chưa nêu nguyên tắc, cách thức thẩm định nguồn vốn để các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xác định, thẩm định nguồn vốn.
Về kế hoạch đầu tư trung hạn, cần quy định cụ thể hơn nội dung này để tăng tính ràng buộc chặt chẽ, bảo đảm kế hoạch đầu tư trung hạn phải là điều kiện pháp lý quan trọng trong việc lập kế hoạch đầu tư hàng năm cũng như phê duyệt chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Ngoài ra, theo quy định, Quốc hội chỉ quyết định dự toán ngân sách hàng năm; do đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa kế hoạch ngân sách trung hạn với kế hoạch đầu tư trung hạn; nghiên cứu, xem xét quan hệ giữa kế hoạch vốn đầu tư hàng năm và kế hoạch vốn đầu tư 5 năm; quy định việc phân bổ vốn hàng năm cho dự án có thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm.
Về quy định trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể liên quan đến đầu tư công, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật hải quan (sửa đổi).