Giải pháp phải cụ thể, trách nhiệm phải rõ ràng

Giao thông - Ngày đăng : 06:12, 16/11/2013

(HNM) -



Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia khi đề cập đến các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT mới đây.

Những năm gần đây, tình hình TNGT đã dần được kiểm soát, giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Sau hơn 10 năm kiên trì thực hiện các giải pháp, số người chết năm 2012 giảm xuống dưới con số 10.000 người/năm. Tuy nhiên, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn nhiều, tính chất và mức độ nghiêm trọng còn cao. Số người chết và số người bị thương vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam hiện đứng thứ 4 về số người chết vì TNGT trên thế giới, sau các nước Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan. Trung bình hằng ngày ở nước ta có khoảng 30-35 người chết do TNGT đường bộ. Theo ước tính của ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á), thiệt hại kinh tế do TNGT đường bộ hằng năm ở Việt Nam khoảng 880 triệu USD, chiếm 2,45% GDP (năm 2003), cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN.

Nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông là biện pháp hữu hiệu để kiềm chế và giảm tai nạn giao thông. Ảnh: Đức Nghiêm


Đánh giá về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về bảo đảm trật tự ATGT, Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng: Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận nhưng chưa bền vững. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhận định: Ở một số địa phương, nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị và chính quyền còn chưa đầy đủ, thiếu toàn diện về công tác bảo đảm trật tự ATGT. Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng các phương tiện vận tải lưu hành không tuân thủ pháp luật diễn ra phổ biến, kéo dài. Tình trạng lái xe chạy quá giờ quy định, xe chở quá khổ, quá tải vẫn chưa được xử lý nghiêm…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia đã triển khai các chiến dịch tuyên truyền vận động không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông; đội mũ bảo hiểm đúng quy định... Bộ Công an đã trang bị thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; đồng thời chỉ đạo công an các địa phương huy động lực lượng, tổ chức các đợt hoạt động cao điểm kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, các địa phương thực hiện tốt chỉ đạo này vẫn chiếm số ít. Qua phân tích tình hình TNGT ở nhiều địa phương, uống rượu bia vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT. Bên cạnh đó, hiện tượng sản xuất mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, mũ giả vẫn diễn biến phức tạp. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… tình trạng đội mũ không phải mũ bảo hiểm có chiều hướng gia tăng trở lại.

Về những bất cập trong công tác quản lý trật tự ATGT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Phải nghiêm túc nhìn nhận những bất cập để dũng cảm thay đổi hành vi thì mới thay đổi được quan điểm, từ đó thực hiện các giải pháp một cách phù hợp, hiệu quả. Kiềm chế TNGT là nhiệm vụ của toàn xã hội, không thể có ai đứng ngoài. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xử phạt nặng các hành vi vi phạm. Đặc biệt với các lỗi là nguyên nhân gây ùn tắc và TNGT; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật còn hổng; tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện cơ giới… Với các bến thủy nội địa nếu không bảo đảm an toàn thì phải đình chỉ ngay. Phải có chế tài cụ thể theo hướng tăng nặng với đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. Mấu chốt là phải quy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi xảy ra TNGT. Có như thế, Việt Nam mới hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 giảm số người bị chết vì TNGT xuống còn 8 người và đến năm 2030 xuống còn 4-6 người mỗi ngày.

Ngày 16-11, tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam và các bộ, ngành tổ chức lễ cầu siêu nạn nhân tử vong vì TNGT với khoảng 15.000 người tham gia. Đây là hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Ngoài việc chuyển tải thông điệp vô cùng thảm khốc và tính chất nghiêm trọng của các vụ tai nạn, lễ tưởng niệm còn thể hiện và nêu bật tinh thần tương thân tương ái, không quản khó khăn cứu giúp người hoạn nạn.
Từ đầu năm 2013 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra gần 25.000 vụ TNGT, làm chết hơn 7.800 người, bị thương khoảng 24.400 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.092 vụ (tương đương 4,29%); tăng 123 người chết (1,6%), giảm 2.595 người bị thương (9,62%). Có 38 địa phương giảm số người chết vì TNGT, 4 tỉnh không tăng không giảm và 20 tỉnh tăng số người chết.

Tuấn Lương