Việt Nam đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác ở Châu Á-Thái Bình Dương

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:25, 15/11/2013

(HNMO) - Ngày 15-11, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị

Đây là Hội nghị quan trọng nhất về diễn đàn APEC do Việt Nam tổ chức trong năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia APEC (15/11/1998-15/11/2013). Với việc APEC ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới chuyển biến nhanh chóng, Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế. Hội nghị có sự tham dự của nhiều khách mời cao cấp như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cựu Ngoại trưởng Australia Alexander Downer, các quan chức cao cấp từ nhiều nền kinh tế thành viên APEC như Trung Quốc, Nga...



Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Hội nghị diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực cũng như APEC. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bức tranh toàn cảnh kinh tế - chính trị ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới đang có nhiều thay đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Khu vực đang đứng trước những vận hội mới đan xen với các thách thức to lớn. Trên tổng thể toàn cầu, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển là xu thế nổi trội, vận động theo xu hướng đa trung tâm, đa tầng nấc. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, là khu vực phát triển năng động nhất với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu rộng. Trong xu hướng đó, APEC đang có những cơ hội để gia tăng tiềm lực và vị thế, song cũng đứng trước không ít thách thức, nhất là những hạn chế trong việc triển khai các mục tiêu Bogor, tốc độ cải cách, nội hàm hợp tác và tầm đóng góp trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Phó Thủ tướng cho rằng, các thành viên APEC đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích và trách nhiệm chung to lớn. Đó là việc hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phục hồi và phát triển, duy trì vai trò đầu tàu của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu, duy trì hòa bình, ổn định, hớp tác và thịnh vượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại phiên thảo luận về cục diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thế kỷ 21 - chương trình nghị sự tương lai của diễn đàn APEC, các đại biểu đều cho rằng tình hình thế giới và tại khu vực đã và đang diễn ra những chuyển dịch hết sức sâu sắc, tron đó liên kết kinh tế tiếp tục là xu thế chủ đạo. Là một trong những cơ chế liên kết kinh tế được hình thành sớm nhất trong khu vực, trong hơn 2 thập kỷ qua, APEC đã đóng góp to lớn cho sự phát triển năng động của Châu Á - Thái Bình Dương cũng như cho sự phát triển của từng nền kinh tế. Các đại biểu đều khẳng định, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, APEC tiếp tục là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng, tuy nhiên, cần tiếp tục cải cách nội dung hợp tác, cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới. 

Hội nghị cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong giao đoạn đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đồng thời tận dụng tốt hơn những cơ hội của hợp tác APEC cho phát triển kinh tế đất nước và cho các doanh nghiệp. Các thành viên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tổ chức thành công Hội nghị bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam năm 2014.

Quỳnh Chi