Nghiên cứu chính sách đặc thù cho 14 xã vùng dân tộc thiểu số miền núi của Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 15/11/2013

(HNM) - Ngày 14-11, Thành ủy Hà Nội sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 31-10-2011 của Ban Thường vụ Thành ủy về

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có trên 80 nghìn người DTTS (49/54 thành phần dân tộc). Người DTTS sống tập trung thành làng, bản tại 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Hai năm thực hiện Nghị quyết số 06, UBND TP, các cấp, ngành cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đồng bào vùng DTTS miền núi. Đặc biệt, ngoài chính sách chung của Nhà nước, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn… giúp vùng DTTS miền núi phát triển. Đã có 186 dự án về y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… với tổng mức đầu tư 2.012 tỷ đồng được phê duyệt. Đến nay, 100% xã có đường giao thông được cứng hóa đến trụ sở UBND xã (tăng 20% so với năm 2011); 90% số thôn có hệ thống điện bảo đảm; hơn 30% số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 13/14 trạm y tế xã đạt chuẩn…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái nhấn mạnh, Hà Nội là một trong 3 tỉnh, thành phố (cùng với Quảng Ninh và Lâm Đồng) ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng đồng bào DTTS miền núi. Tuy nhiên, kinh tế vùng DTTS miền núi phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 10,71%. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, các địa phương nghiên cứu, chú trọng đầu tư những dự án hiệu quả cao, tránh dàn trải. Căn cứ mục tiêu giai đoạn 2011-2015, các cấp, ngành chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, chú trọng thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo, lao động, việc làm và thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới. Đặc biệt, cùng với việc phân công rõ trách nhiệm, các cấp, ngành đẩy mạnh phân cấp, tạo quyền chủ động cho cơ sở gắn với kiểm tra, giám sát; chủ động tham mưu cho thành phố về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho 14 xã vùng DTTS miền núi.

Bình Yên