“Chuyện của người đang lớn”: Không gian đối thoại thẳng thắn
Văn hóa - Ngày đăng : 06:28, 14/11/2013
cảm".
Các bạn trẻ tham quan khu trưng bày “Chuyện của người đang lớn”. |
Một cách giáo dục giới tính
Mặc dù sử dụng rất nhiều hình ảnh, hiện vật nhưng "Chuyện của người đang lớn" không lấy yếu tố nghệ thuật làm thước đo chất lượng như một số triển lãm mỹ thuật. Với 3 nội dung trưng bày chính: "Tuổi dậy thì", "Tình bạn - Tình yêu" và "Tình dục an toàn", "Chuyện của người đang lớn" là thế giới thu nhỏ, phản ánh đa diện đời sống tâm sinh lý đầy biến động của lứa tuổi đang lớn. Tại đây, những bạn trẻ có không gian để bày tỏ tình cảm với "đối phương" thông qua những món quà giản dị mà ý nghĩa như: Chiếc khăn len quàng cổ; những lá thư hồn nhiên, trong sáng; cuốn nhật ký; sổ lưu bút; thiếp sinh nhật hay "ngôi nhà hạnh phúc" xếp bằng diêm. Qua những câu chuyện kể chân thực, nhiều bạn trẻ có thể rút ra được kinh nghiệm sống cho mình, chẳng hạn như câu chuyện của Thoa, 21 tuổi (Đại học Sư phạm), của Phong, 22 tuổi (Đại học Thủy lợi)... Thoa kể: "Mình đang chung phòng với 3 đứa bạn, thấy yêu nhau đã "mùi", anh ấy rủ sống chung. Mình đắn đo cả tuần lễ mới nhận lời, nhưng mình luôn thấp thỏm sợ bố mẹ hay anh chị lên thăm biết được sẽ mắng"… Ở một góc khác, không gian nhà trọ của "vợ chồng" sinh viên gồm chiếc giường ngủ đơn sơ làm bằng những mảnh ghép gỗ xoan, giá sách, bàn học và vài bộ quần áo được giới thiệu chân thực, sinh động thay lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ, đó là góc riêng tư của một bộ phận những người đang lớn nhưng việc sống thử cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường cho cả hai. Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu những mô hình giải phẫu bộ phận sinh dục của hai giới, giới thiệu sự sống của con người từ lúc là bào thai trong bụng mẹ đến khi trưởng thành… Tham quan trưng bày đặc biệt này, em Lê Trung Kiên, sinh viên năm thứ hai, Đại học GTVT Hà Nội tâm sự: "Em thấy những hình ảnh, hiện vật được giới thiệu trong "Chuyện của người đang lớn" là cách giáo dục giới tính cho giới trẻ một cách trực quan, dễ hiểu, dễ nhận biết. Em mong có nhiều triển lãm tương tự được giới thiệu để giới trẻ không phạm những sai lầm đáng tiếc do thiếu hiểu biết kiến thức về giới".
Thông điệp gửi đến người lớn
Sau hai tuần diễn ra đợt trưng bày, "cây thông điệp" - nơi các bạn trẻ có thể gửi gắm điều mình muốn nói nhận được hàng trăm thông điệp của các bạn trẻ như: "Xin hãy để tuổi trẻ có nhiều cơ hội hiểu biết đúng đắn hơn", "Tình dục an toàn - chúng tôi cần được trang bị kiến thức về điều đó", "Tại sao lại không công khai chuyện thầm kín một cách khoa học và lành mạnh?"… Gần hai năm làm việc với các bạn trẻ lứa tuổi dậy thì nhằm phục vụ cho công tác trưng bày, Nguyễn Văn Hiệp, SN 1990 chia sẻ: "Hiện nay, các em có quan điểm rất thoáng về tình yêu, quan hệ tình dục. Nhiều em biết yêu từ những năm học cấp hai nhưng hầu hết không hiểu về hậu quả của việc yêu sớm. Mặt khác, người lớn vẫn có cái nhìn khắt khe về vấn đề tình yêu, tình dục ở tuổi mới lớn nên các em thường giấu diếm chuyện tình, tự hành động theo cách suy nghĩ bồng bột, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc".
Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, 1/3 thanh, thiếu niên Việt Nam vẫn gặp phải các rào cản trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản. Các dịch vụ chưa thân thiện với thanh, thiếu niên và được thiết kế chưa phù hợp để đáp ứng nhu cầu cụ thể của giới trẻ. Vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục về tình dục lành mạnh cho giới trẻ dưới góc độ bảo tàng được đánh giá là sáng kiến hay. "Trưng bày chứa đựng một sức mạnh to lớn, đem đến những thông tin quan trọng và "đôi khi khó nói" theo cách thân thiện với giới trẻ" - bà Pra-ti-bla Me-ta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định.