Cá tầm ngược núi
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:11, 14/11/2013
Háo hức, chúng tôi hăm hở vượt qua quãng đường hơn 80km về xã Khánh Thượng chỉ để nhìn tận mắt loài cá đặc sản nước lạnh bơi tung tăng trong bể nuôi của hộ ông Hà Văn Vận, thôn Sui Quán. Khi nhìn thấy đàn cá khỏe mạnh, đẹp như trong tranh cùng ánh mắt lấp lánh niềm vui của ông Vận kể chuyện nuôi cá, tôi mới hiểu vì sao một kỹ sư thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) đã "dám" khẳng định với báo chí: Hà Nội cái gì cũng có, cái gì cũng làm được nếu quyết tâm.
Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì kiểm tra tại mô hình nuôi cá tầm thương phẩm xã Khánh Thượng. |
Ông Vận kể rằng, đến giờ, đã qua 6 tháng ăn với cá, ngủ với cá, nhìn đàn cá lớn từng ngày mà có nhiều lúc ông vẫn thấy như mình đang mơ. Chúng tôi hiểu tâm trạng đó, bởi đâu chỉ riêng ông mà rất nhiều người khi nhắc đến loài cá đặc sản nước lạnh này đều hình dung đó là thứ cá nhập khẩu, có chăng chỉ nuôi được ở Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng) - những nơi có khí hậu mát mẻ và nhiệt độ nguồn nước từ 27oC trở xuống, chứ không thể nuôi ở ngay Hà Nội. Theo ông Trần Đức Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông (TKN) huyện Ba Vì, để cá tầm bén duyên với vùng đất Khánh Thượng không phải là chuyện dễ làm như trồng cây sắn, cây lạc hay nuôi các con đặc sản khác. Với đặc tính sống trong nước lạnh và sạch của loài cá này, chỉ nơi nào có đủ hai điều kiện trên thì mới có thể triển khai mô hình nuôi. Vốn là người sống ở Ba Vì đã lâu, đặc điểm khí hậu, địa hình của xã nào trong huyện ông Tĩnh cũng nắm rõ. Ngay khi "nhận lệnh" tìm địa bàn xây dựng, triển khai mô hình điểm nuôi cá tầm thương phẩm từ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, ông Tĩnh đã nghĩ ngay tới xã Khánh Thượng, nơi có khí hậu mát, nhiều suối nước sạch, bà con chịu khó nhưng đời sống còn khó khăn do thiếu vắng những mô hình kinh tế hộ. Đưa cá tầm về đây, nếu thành công thì đó sẽ là mô hình "lạ", độc đáo của Khánh Thượng để bà con làm giàu.
Nói là làm, nghĩ tới là phải triển khai ngay. Sau 10 ngày khảo sát thực địa (cuối tháng 4-2013), đoàn cán bộ, chuyên gia của TTKN Hà Nội, TKN Ba Vì đã thu được kết quả khả quan: nguồn nước suối tại Khánh Thượng có nhiệt độ 24oC, hàm lượng ôxy hòa tan 6,5mg/l, rất phù hợp để nuôi cá tầm. "Nhận được kết quả khảo sát đó, lãnh đạo xã chúng tôi mừng như bắt được vàng, những điều kiện cần và đủ như vậy với loại cá tầm không phải nơi nào muốn là có. Lâu nay chúng tôi cứ nghĩ, con cá mãi tận trời Tây ấy, muốn ăn, chỉ có thể nhập khẩu. Nay, nơi đây nuôi được sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho bà con Khánh Thượng, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng/năm hiện nay lên cao hơn thì còn niềm vui nào bằng...", Bí thư Đảng ủy Hoàng Văn Chìu nhớ lại.
Mở ra hướng làm ăn mới
Cá tầm là loại đặc sản nước lạnh, có giá trị kinh tế rất cao, được người tiêu dùng trên thế giới và Việt Nam ưa chuộng do thịt cá thơm, béo mà không ngấy. Toàn thân cá tầm là xương sụn, thớ thịt dày, đặc biệt không có xương dăm và chứa tới 8 loại axid amine rất cần cho cơ thể. Cách đây 8 năm, cá tầm đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đưa vào nuôi thử nghiệm tại Sa Pa, sau đó tiếp tục nhân rộng ra một số nơi thuộc các tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Đà Lạt... Tuy nhiên, lượng cá tầm nuôi trong nước chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm cá tầm tiêu thụ trên thị trường hiện nay chủ yếu là nhập khẩu, thậm chí là nhập lậu. Theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - C49 (Bộ Công an), ở thời điểm trước tháng 4-2013, mỗi ngày có tới 5-7 tấn cá tầm nhập lậu về Hà Nội. Đến nay, tuy đã giảm nhưng mỗi ngày vẫn có khoảng 2 tấn cá tầm nhập lậu tiêu thụ tại Hà Nội với mức giá từ 150 đến 180 nghìn đồng/kg...
Được biết, khi triển khai mô hình nuôi cá tầm thương phẩm điểm tại hộ ông Hà Văn Vận, thôn Sui Quán, TTKN Hà Nội và TKN Ba Vì đã tập huấn cho hơn 50 hộ dân. Ngay sau đó việc lắp đặt đường ống dẫn nước suối vào bể nuôi là rất quan trọng. Bởi, nếu nguồn nước bị ô nhiễm hay thức ăn không sạch, cá sẽ nhiễm bệnh và chết. May mắn là nguồn nước suối ở Khánh Thượng phù hợp, nước vào bể nuôi được dẫn trực tiếp từ suối về liên tục ngày đêm mà không phải bơm, vừa giảm chi phí đầu tư mà môi trường nước lại sạch cho cá tầm phát triển. Trạm trưởng TKN huyện Trần Đức Tĩnh cho biết, ngoài những điều kiện cần và đủ về nguồn nước thì kỹ thuật chăm sóc cá không quá khó, chỉ cần tuân thủ đúng hướng dẫn là nuôi được. Cá tầm giống sau khi thả bể một ngày được tắm bằng nước muối nồng độ 3kg/một mét khối để sát khuẩn, phòng bệnh. Do cá tầm ăn chìm nên khi cho ăn, mức rút nước bể xuống 30-40cm để quản lý nguồn thức ăn, ngày cho cá ăn 4 lần, theo khung giờ cụ thể. Khi cá ăn xong lại dâng nước và cho chảy trôi hết váng dầu của thức ăn trên mặt nước để cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan cho cá...
Theo tính toán của TKN huyện Ba Vì, mỗi bể nuôi 500 con cá tầm ở Khánh Thượng (50m3) đã trừ chi phí con giống, thức ăn... thì sau hơn 5 tháng nuôi, mỗi bể cho lợi nhuận hơn 37 triệu đồng. Nếu so sánh với các loài vật nuôi khác thì cá tầm cho lợi nhuận cao hơn hẳn. Khi biết có mô hình cá tầm triển khai trên địa bàn xã, rất nhiều bà con ở các xã lân cận, cả một số xã thuộc tỉnh Hòa Bình, giáp ranh với Khánh Thượng cũng đã tổ chức các đoàn tới thăm, tìm hiểu mô hình. Điều đó chứng tỏ thành công, hiệu quả kinh tế của mô hình đã tạo sức hút với nông dân. Tuy nhiên, với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Khánh Thượng, con cá tầm là hoàn toàn mới, chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với nuôi cá thông thường nên nhiều hộ dân không có vốn đầu tư. Khảo sát tại địa phương cho thấy, không chỉ ở thôn Sui Quán có hơn 60 hộ dân đủ điều kiện tiếp cận và có thể khai thác nguồn nước suối nuôi cá tầm mà còn có thôn Mít, thôn Hương Canh có nhiều hộ đủ điều kiện nuôi cá. Hơn nữa, theo Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Hữu Thịnh thì từ năm 2007, 2008 thôn Mít và Hương Canh đã được thành phố đầu tư xây dựng dự án nước sạch, số hộ đủ điều kiện nuôi cá tầm trên địa bàn xã cũng đến vài trăm. Nhưng để mở một hướng làm mới, rất khả quan như nuôi cá tầm thương phẩm cho bà con trong xã, ngoài các điều kiện cần và đủ về cơ sở vật chất được thiên nhiên ưu đãi ra thì vốn đầu tư cũng là điều cần tháo gỡ.
Vấn đề giống, vốn, kỹ thuật, đầu ra tiêu thụ sản phẩm và sự liên kết của "ba nhà, bốn nhà" để giúp người dân phát triển kinh tế lại một lần nữa được nhắc đến qua chuyện đưa cá tầm lên vùng núi Khánh Thượng. Phó Chủ tịch Thịnh chia sẻ: "Giống thì đã có Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cung cấp, kỹ thuật đã có TKN huyện hướng dẫn, thị trường đầu ra không lo vì hiện cung chưa đủ cầu. Vậy vấn đề chỉ còn là nguồn vốn".
Chia tay Khánh Thượng, tôi vẫn nhớ điều tâm nguyện của Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Chìu: Ước gì giờ này sang năm, chúng tôi có thể khoe với các anh chị thương hiệu cá tầm Khánh Thượng để cung ứng cho Thủ đô... Dẫu biết mở ra hướng làm kinh tế mới cho bà con vùng sâu, vùng xa, không phải là chuyện một sớm, một chiều. Cho dù con cá tầm "đỏng đảnh" đã bén duyên với vùng đất Khánh Thượng, nhưng để trở thành thứ đặc sản làm giàu cho nông dân, chúng tôi đang rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, từ thành phố tới địa phương.