Sự ghi nhận của niềm tin

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:56, 14/11/2013

(HNM) - Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Đồng thời thể hiện thế và lực của đất nước ta đang ngày càng vững chắc hơn trên trường quốc tế.

Sự kiện này đã khẳng định ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…

Thành công này xuất phát từ những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong các diễn đàn khu vực và quốc tế theo phương châm: "Là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế". Đây cũng là thước đo chuẩn xác đối với các thành tựu và sự nghiêm túc của Việt Nam trong nỗ lực sát cánh cùng với nhân loại tiến bộ đấu tranh không mệt mỏi vì nhân quyền đích thực.

Nhiều thế lực thù địch đang tiến hành những âm mưu chống phá với nhiều thủ đoạn vu cáo, xuyên tạc nhưng không thể phủ nhận được thực tế hiển nhiên là tại Việt Nam, quyền con người được phát huy và chính sự tham gia tích cực của người dân vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đã mang đến hình ảnh một Việt Nam thực sự ấn tượng trong cái nhìn của bạn bè quốc tế.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi mới đây, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã sử dụng cụm từ "chuyển mình nhanh chóng" để đánh giá tốc độ phát triển của Việt Nam thời gian qua. Trong một bản báo cáo, cơ quan này nêu rõ: 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam luôn ở mức trên dưới 7%, Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi về xã hội, kinh tế và thể chế. Từ năm 1991 đến năm 2011, với mức thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng gần gấp đôi, Việt Nam đã đứng vào hàng các nước có thu nhập trung bình và nằm trong số các nước đứng đầu về xuất khẩu gạo, cà phê, cao su cũng như một số mặt hàng chế biến công nghiệp như may mặc hoặc điện thoại di động. Cùng với thành công này là sự hiện diện ngày càng tích cực của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế như LHQ, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)... Ngoài ổn định chính trị và bảo đảm công bằng xã hội, Việt Nam còn hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một địa chỉ hấp dẫn trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài...

Trong nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm mọi quyền lợi cho nhân dân, trong đó vừa khẳng định và tôn trọng quyền con người về phương diện pháp luật, vừa tạo điều kiện để mọi người dân được thực hiện đầy đủ các quyền của mình trong đời sống xã hội. Nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực trong bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện. Nhà nước Việt Nam đã dành một khoản ngân sách rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, phát triển các giá trị tinh thần giúp đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, các dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển cùng mặt bằng chung trên cả nước.

Thông qua các cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm suốt nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Việt Nam từ một nước thuộc địa, không có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do và có vị thế ngày càng quan trọng trong cộng đồng quốc tế. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, được sống trong độc lập, tự do với tất cả quyền con người của mình và được bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật. Mỗi người dân Việt Nam đã và đang tích cực triển khai thực hiện quyền dân chủ trong nỗ lực phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực của nhân dân cho tiến trình phát triển đất nước. Đó là thành tựu to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới trong lịch sử dân tộc. Đó cũng chính là những thành tựu dân chủ, nhân quyền cơ bản nhất mà nhân dân Việt Nam đã giành được và đang tiếp tục phát huy.

Trở thành thành viên HĐNQ LHQ cũng tức là Việt Nam sẽ phải thực hiện hai sứ mạng cao quý là tiếp tục phát triển những thành tựu nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời đóng góp tích cực hơn nữa vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên thế giới. Có thể chúng ta còn gặp nhiều trở ngại, bởi đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; song, với sự tin tưởng, kỳ vọng của bạn bè thế giới, chúng ta hoàn toàn tự tin khi đảm đương vai trò và trách nhiệm cao cả này.

Như Trưởng phái đoàn Saudi Arabia tại LHQ, Abdallah Al-Muallimi khẳng định: "Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn xứng đáng trở thành thành viên HĐNQ LHQ. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu của nhân dân Việt Nam và hy vọng sự tham gia của Việt Nam sẽ góp phần tăng cường và thúc đẩy những giá trị cũng như hoạt động của HĐNQ LHQ. Việt Nam có một lịch sử đáng tự hào với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc và đường lối ngoại giao trung lập. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị thế của mình tại HĐNQ LHQ".

Lâm Phương