Công tác khám sàng lọc không phát huy tác dụng?
Sức khỏe - Ngày đăng : 05:50, 14/11/2013
Dù ngành chức năng khẳng định không liên quan đến chất lượng vắc xin và cơ sở tiêm chủng cũng đã thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế, nhưng sự việc trên lại khiến dư luận đặt câu hỏi: Công tác khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm hiện nay liệu có phát huy được tác dụng như mong muốn?
Không dễ phát hiện bệnh
Hà Nội đã có 26 quận, huyện hoàn thành đợt tiêm chủng trở lại vắc xin Quinvaxem và trong số khoảng 30 trẻ bị phản ứng phụ sau tiêm không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào. Nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên Hànộimới, các bà mẹ đã có con tiêm trong đợt này đều chung tâm lý vừa tiêm vừa lo. Bởi theo họ, công tác khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm đã được các điểm tiêm chủng quan tâm nhưng việc khám lại quá sơ sài. Nơi khám kỹ cũng chủ yếu là đo thân nhiệt, nghe nhịp tim, có chăng cũng chỉ phát hiện ra bệnh thông thường như: ho, sốt, dị ứng…
Khảo sát tại Phòng Tiêm chủng các loại vắc xin của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) vào 10h ngày 13-11, có rất đông bà mẹ đưa trẻ đến đây tiêm chủng. Ghi nhận chung, mọi quy trình, từ đón tiếp, tư vấn, khám sàng lọc, theo dõi phản ứng… đều thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế. Tại phòng khám sàng lọc, bên cạnh việc tìm hiểu thông tin từ phía gia đình về sức khỏe của trẻ, cán bộ y tế cũng đã tiến hành khám sàng lọc thông qua việc đo nhiệt độ cơ thể trẻ, nghe nhịp tim, phổi. Trẻ có tiền sử sức khỏe tốt, không có biểu hiện sốt cao, viêm phế quản hay dị ứng sẽ được tiến hành tiêm. Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Công tác khám sàng lọc như vậy có đủ để phát hiện những bệnh tiềm ẩn trong cơ thể?", một nhân viên y tế tại đây khẳng định, việc khám sàng lọc chỉ có thể phát hiện những bệnh đơn thuần với những biểu hiện bên ngoài chứ chưa đủ để phát hiện những bệnh tiềm ẩn bên trong.
Sau khi xảy ra những trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin, Bộ Y tế đã yêu cầu tăng cường thanh tra toàn diện công tác tiêm chủng trên cả nước, đồng thời chỉ đạo các địa phương cử cán bộ có chuyên môn khám sàng lọc kỹ trước tiêm chủng. Lý giải về tầm quan trọng của công tác khám sàng lọc trước tiêm, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, việc khám sàng lọc đóng vai trò quan trọng trong công tác tiêm chủng. Nếu khám sàng lọc tốt sẽ góp phần hạn chế những phản ứng không mong muốn xảy ra sau tiêm. Đơn cử như với những trường hợp trẻ bị dị ứng, nếu tiêm dễ gặp phải phản ứng sốc phản vệ hay khi trẻ đang có bệnh trong người mà tiêm kháng nguyên từ vắc xin vào cơ thể sẽ khiến bệnh bị cộng hưởng… Tuy nhiên, có một số trường hợp, khi trẻ đang trong thời gian ủ bệnh, chưa có các triệu chứng lâm sàng thì nhân viên y tế rất khó phát hiện khi khám.
Tiêm lúc nào an toàn?
Hiện cả nước có khoảng 17.000 điểm tiêm chủng (bao gồm cả điểm tiêm chủng cố định và điểm tiêm chủng lưu động), mỗi tháng có khoảng 400.000 trẻ được tiêm chủng. Mục tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là để bảo vệ cá nhân, cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm bằng vắc xin. Mặc dù tiêm vắc xin là an toàn nhưng không phải hoàn toàn không có nguy cơ, phản ứng sau tiêm chủng có thể sẽ xuất hiện sau sử dụng vắc xin.
Đưa ra lời khuyên đối với các cha mẹ đang có con nhỏ trong độ tuổi tiêm phòng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, cách tốt nhất để hạn chế tối đa những phản ứng phụ không mong muốn xảy ra sau khi tiêm chủng, đó là cha mẹ phải phối hợp tốt với cơ sở tiêm chủng. Khi đưa trẻ đến tiêm chủng, cha mẹ cần thông báo cụ thể, kỹ lưỡng tình hình sức khỏe hiện tại của con, các tiền sử bệnh tật (nếu có). Đặc biệt, cha mẹ phải báo cáo chính xác tiền sử những mũi tiêm trước của trẻ. Nếu những mũi tiêm trước trẻ đã gặp phải phản ứng mạnh như: sốc phản vệ, sốt cao, co giật… thì nhân viên y tế sẽ quyết định không tiêm mũi tiếp theo.
* GS,TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: Phản ứng sau tiêm ở các trường hợp khác nhau, từ phản ứng nhẹ, thông thường đến phản ứng hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, mục đích của việc tiêm vắc xin là tạo ra miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh, phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch. Những phản ứng thông thường khác, như: khó chịu, mệt mỏi, chán ăn cũng có thể xảy ra. Hầu hết các phản ứng vắc xin đều là phản ứng nhẹ và tự khỏi. Trong các trường hợp phản ứng nặng là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có ở trẻ. Một số ít trường hợp phản ứng khác có thể do vắc xin hoặc do sai sót trong khâu bảo quản, vận chuyển, sử dụng, chỉ định... Cho dù nguyên nhân của phản ứng sau tiêm là gì, có thể khiến mọi người lo lắng nhưng nếu từ chối tiếp tục tiêm chủng cho trẻ, dẫn đến trẻ dễ bị mắc bệnh truyền nhiễm nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng là điều rất không nên. * Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, đã có 36 tỉnh, thành phố triển khai tiêm lại vắc xin Quinvaxem tại 4 khu vực (miền Bắc: 15 tỉnh, thành phố; miền Trung: 5 tỉnh, thành phố; khu vực Tây Nguyên: 4 tỉnh; miền Nam: 12 tỉnh, thành phố) và đã tiêm khoảng 300.000 liều vắc xin. |