Thủy điện nhỏ - lợi ít, hại nhiều

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:42, 14/11/2013

(HNM) - Câu chuyện dài kỳ về quy hoạch và phát triển thủy điện lại làm nóng nghị trường Quốc hội với nhiều vấn đề bức xúc. Công bằng mà nói, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện (DATĐ) vừa và nhỏ đã góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu cho ngân sách và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, phát triển quá "nóng" các DATĐ loại này đã dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng cho môi trường sinh thái, tác động tiêu cực và trực tiếp đến đời sống của người dân. Chưa kể những khiếu kiện tranh chấp đầu tư và đặc biệt là vấn đề an toàn hồ đập đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Thủy điện nhỏ (TĐN) chủ yếu do tư nhân đầu tư, do vậy yếu tố đầu tiên và căn cốt mà người ta tính đến là hiệu quả kinh tế, nói cách khác là "lợi nhuận". Thêm nữa, dự án loại này thường do chủ tịch UBND tỉnh ký duyệt. Khoan nói chuyện có tiêu cực hay không, lối tư duy bằng mọi giá để thu được nhiều ngân sách cho địa phương cũng đủ dễ dẫn đến hậu quả. Chính vì để thỏa mãn "cái lợi" trước mắt cho nhà đầu tư và chính quyền địa phương, TĐN đã góp phần không nhỏ hủy hoại, tàn phá môi trường. Theo tính toán, để có được 1MW điện thì phải mất 2ha rừng. Đã có bao nhiêu cánh rừng đầu nguồn bị "xẻ thịt" vì TĐN? Là gần 20.000ha hay 50.000ha như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương. Con số thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước có độ chênh lớn như vậy là vì sao? Đâu là con số thực tế?

Một vấn đề nữa, chất lượng công trình xây dựng của các dự án TĐN hầu như được giao khoán hoàn toàn cho chủ đầu tư, công tác quản lý an toàn không được thực hiện theo quy định… Kết quả của sự buông lỏng quản lý là hàng loạt sự cố đã xảy ra tại các DATĐ Đăk Rông 3 (Quảng Trị), Đăm Bol - Đạ Tẻl (Lâm Đồng), Đăk Mêk 3 (Kon Tum), Ia Krêl 2 (Gia Lai)... gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo Bộ Công thương, gần 30% số đập TĐN chưa được đánh giá, kiểm định, khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt, gần 55% số chủ sử dụng, vận hành hồ, đập chưa có phương án phòng, chống lụt bão... Và như vậy, không ai chắc chắn là số lượng sự cố TĐN sẽ dừng lại ở đó. Trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, thiên tai và ở một góc nhìn khác là "nhân tai" bất cứ lúc nào cũng có thể ập xuống!

Như vậy, bên cạnh đòi hỏi quyết liệt loại bỏ những DATĐ vừa và nhỏ không phù hợp với quy hoạch hệ thống, gây tác động xấu đến môi trường - xã hội, cần có giải pháp để bù thiệt hại của người dân và môi trường. Rút kinh nghiệm trong công tác quản lý là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải có những quy định rõ ràng về cơ chế, chính sách như phần trăm lợi nhuận mà người dân được hưởng thụ từ tiền bán điện, phần trăm lợi nhuận dành để trồng lại rừng, bù đắp cho môi trường... Thời gian không dừng lại, tác hại mà các dự án TĐN đã có sẽ không dừng lại những gì đã xảy ra. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải đưa ra các giải pháp kiên quyết để TĐN không gây thêm những tác hại lớn cho người dân và xã hội.

Thế Phương