Thiên tai hay “nhân tai”?
Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 13/11/2013
Tháng 10-2012, tháp truyền hình Đài PT-TH Nam Định bị đổ. Đến cơn bão số 10 (tháng 9-2013), tháp ăng ten phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) bị sập; đến bão số 14, là cột ăng ten thu sóng Đài Truyền hình TP Uông Bí (Quảng Ninh) bị gãy. Ba cột ăng ten, ba công trình dạng tháp có kết cấu bằng thép bị gãy, đổ liên tiếp trong vòng một năm nói lên điều gì?
Ảnh: Hoàng Trang |
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, đánh giá chính xác nguyên nhân sập, đổ cột ăng ten, cần có sự kiểm tra, kết luận của cơ quan chuyên môn. Song, rõ ràng những công trình này phải có vấn đề mới đổ. Cụ thể là có thể không được thiết kế đúng với tải trọng gió tự nhiên; thi công không đúng yêu cầu kỹ thuật, hoặc trong quá trình vận hành, các đơn vị đã lắp đặt thêm tải trọng; có thể là công trình không được bảo hành, bảo trì thường xuyên hay đơn giản như bu lông không được siết lại cũng ảnh hưởng đến mức độ an toàn của công trình…
Ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà nước về chất lượng công trình: Trước đây, đánh giá vận tốc gió lớn nhất thường là 150km/giờ, nhưng nay sức gió được ghi nhận có thể lên tới 170km/giờ, thậm chí lớn hơn nhiều; hay tần suất lũ thiết kế cho một công trình thường là 4.000m3/giây, nhưng nay đã lên tới 5.000m3/giây… |
Một vấn đề được đặt ra là hiện cả nước có hàng trăm công trình dạng tháp kết cấu bằng thép kiểu này, hầu hết đều có độ cao trên dưới 100m và nằm trong các khu dân cư đông đúc. Nếu có sự cố, mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Nhưng đến nay chưa có thống kê nào khẳng định có bao nhiêu trong số các công trình này có thiết kế an toàn với bão có cấp gió 12-13 trở lên. Ông Lê Quang Hùng cho biết, thực tế cũng chưa có cuộc kiểm định quy mô nào được tiến hành để đánh giá độ an toàn của những công trình này trong quá trình sử dụng. Sau sự cố đổ tháp truyền hình tại Nam Định, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các đơn vị có cột ăng ten, đài truyền hình, đài tiếng nói các địa phương báo cáo danh mục, tình trạng, kết cấu công trình dạng tháp đang quản lý. Song các báo cáo chưa thực sự đầy đủ, chủ yếu mang tính thống kê, khẳng định hiện công trình vẫn an toàn. Vì vậy, Bộ chỉ đạo phải kiểm định lại các tháp cao hơn 100m, tính toán cụ thể kết cấu, tải trọng, đánh giá chất lượng, công tác bảo trì, bảo dưỡng… Việc kiểm định sẽ do một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, mà không giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng kiểm định.
Nhìn lại sự cố và nguy cơ về chất lượng công trình qua các trận bão, ông Lê Quang Hùng cho rằng, nổi lên 4 vấn đề lớn. Thứ nhất, chất lượng các công trình kết cấu dạng tháp, cột thu phát sóng phát thanh, truyền hình, như đã nêu thường nằm trong khu vực dân cư, mặt khác chiều cao thường trên dưới 100m nên nếu xảy ra sự cố, nguy cơ mất an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng là rất lớn. Tuy nhiên, cũng nghiêm trọng không kém là nguy cơ vỡ, tràn hồ đập thủy điện, thủy lợi và tình trạng xả lũ bất thường gây ngập lụt, thiệt hại, lo lắng, bức xúc cho người dân vùng hạ du. Theo đó phần lớn công trình không bảo đảm chất lượng thường do chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thiếu năng lực; công trình đã xây dựng từ lâu nhưng không được bảo dưỡng, bảo trì đúng yêu cầu kỹ thuật và do đơn vị sử dụng không có chuyên môn vận hành… Vấn đề thứ ba là tình trạng nhà dân trong vùng gió bão thường bị tốc mái, sập đổ do thi công, gia cố, chằng chống không đúng kỹ thuật. Bão số 14 vừa rồi, Bộ đã có công điện yêu cầu sở xây dựng các địa phương phải có hướng dẫn cụ thể cách chằng, chống nhà cửa cho bà con. Cuối cùng là về mặt kỹ thuật, ông Hùng cho rằng, cần xem xét lại các thông số về điều kiện tự nhiên khi thiết kế. Có 3 thông số quan trọng về khí tượng thủy văn, động đất trong thiết kế thi công là áp lực gió, cấp động đất, tần suất ngập lụt… hiện nay những thông số này đã có nhiều thay đổi do điều kiện tự nhiên thay đổi, biến đổi khí hậu…