Còn độc quyền kinh doanh, còn cạnh tranh không lành mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 05:58, 13/11/2013
- Ngày 11-11, giá xăng đã giảm 250 đồng/lít và đây là lần thứ 3 liên tiếp giá xăng giảm đúng kỳ họp QH đang diễn ra. Ông bình luận như thế nào về sự trùng hợp này?
- Tôi khẳng định không có chuyện giá xăng "linh hoạt" giảm đúng kỳ họp QH để an lòng ĐBQH. Vì tăng, giảm giá xăng dầu còn phụ thuộc vào giá thế giới, vào nguồn cung - cầu. Có những dịp QH không họp nhưng giá xăng vẫn tăng, giảm.
- Nhưng qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng có những thời điểm giá xăng, dầu tăng bất hợp lý ?
- Giá xăng, dầu hiện nay thường điều chỉnh sau diễn biến thị trường. Nhưng tôi thấy vẫn chưa khẩn trương, chưa sát với yêu cầu, kể cả thời điểm tăng, giảm đôi lúc cũng chưa ổn. Có lúc cần tăng nhiều thì lại tăng ít. Có khi có thể giảm nhiều thì lại giảm ít hoặc điều hành không kịp thời. Thế nên một bộ phận người dân không đồng tình và cảm thấy cơ quan chức năng nói chưa đi đôi với làm.
- Theo ông, giá xăng Việt Nam đã sát với giá thị trường?
- Tôi cho rằng chưa sát. Trong chính sách về lĩnh vực này chúng ta còn chiếu cố đến một số đối tượng, một số lĩnh vực hoặc điều hành theo yêu cầu của từng thời kỳ. Đặc biệt là còn độc quyền trong chỉ đạo về xăng dầu. Có lúc ta còn cộng dồn nhiều thời kỳ không điều chỉnh, để điều chỉnh dồn một lần, gây nên cú sốc trong dư luận. Cử tri thấy cách làm này có cái gì đó không lành mạnh.
- Vậy theo ông làm thế nào để giá xăng sát với giá thị trường?
Theo tôi có hai vấn đề. Thứ nhất là phải giảm độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này cạnh tranh bình thường. Thứ hai là cách tính giá phải sát thông lệ quốc tế, nghĩa là lúc nào cần điều chỉnh, cần làm ngay, không cộng dồn. Hai việc này đều chưa làm được.
- Chúng ta nói nhiều đến việc không để độc quyền trong kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhưng chúng ta chưa xử lý được tình trạng độc quyền. Tại sao, thưa ông?
- Khi đã để độc quyền trong kinh doanh thì không thể xử lý được .Ví dụ trong xăng dầu chỉ để 2 đến 3 đơn vị chủ lực kinh doanh thôi, mà một đơn vị lại "bao sân" sản phẩm đến 70-80% thì họ có quyền đặt ra giá của họ, cơ quan chức năng lại không kiểm soát, đối chứng nổi. Còn nếu giả sử có tới 5 đơn vị cùng kinh doanh thì dễ chọn đơn vị có giá thấp nhất. Chừng nào chưa làm được việc này thì còn có độc quyền.