Gỡ mớ bùng nhùng

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:44, 13/11/2013

(HNM) - Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là một đầu mối về giao thông. Hầu hết các tuyến, trục đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy khu vực phía Bắc đồng thời cũng của cả nước đều quy tụ tại đây nên cũng dễ hiểu khi thành phố chiếm một tỷ lệ lớn các công trình giao thông trọng điểm của quốc gia như cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên…

Ngoài các công trình giao thông tầm cỡ quốc gia, Hà Nội còn rất nhiều công trình giao thông trọng điểm ở một Thủ đô đang phát triển, như các đường Vành đai 1, 2, 3, 4; các chỗ để xe trên cao, các bãi đỗ ngầm… Khối lượng công việc lớn, đầu mối rộng, tiền vốn không dồi dào và nhất là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã khiến cho nhiều công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ, nhiều công trình chất lượng không như ý.

Lúc này, không phải lúc trao đi đổi lại về chuyện ai chịu trách nhiệm mà hơn hết là cần phải hợp sức để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các công trình. Nhưng trước đó, cần làm rõ nguyên nhân nào đã gây nên tình trạng chậm tiến độ này.

Trước hết, là công tác giải phóng mặt bằng ở hầu khắp các dự án rất trì trệ. Lý do chính là chưa thống nhất về giá đền bù vì có rất nhiều vấn đề phức tạp mà Hà Nội không thể giải quyết được, phải cấp Chính phủ và Quốc hội mới đủ thẩm quyền. Muốn Quốc hội và Chính phủ tham gia giải quyết, phải có căn cứ pháp luật nhưng Luật Đất đai (sửa đổi) còn đang được Quốc hội thảo luận, chưa thông qua. Dự kiến nếu Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, ít nhất cũng phải đầu năm 2014 mới có thể triển khai và để đi vào cuộc sống cũng cần nhiều thời gian. Khó khăn đó phải chờ sự phối hợp tháo gỡ đồng bộ, khó có thể đốt cháy giai đoạn.

Nhưng giá đền bù đất không phải là tất cả. Người ta nhận thấy vai trò của chính quyền cơ sở khá mờ nhạt, tình trạng thụ động, đùn đẩy trách nhiệm, đưa ngược những khó khăn lên cấp trên còn khá phổ biến. Kinh nghiệm cho thấy, một khi cán bộ cơ sở chí công vô tư, không đùn đẩy trách nhiệm, chủ động, kiên quyết vào cuộc, trọng dân, hiểu dân, dân vận khéo thì việc khó mấy cũng có thể giải quyết được. Qua một vài vụ kiên quyết thay thế cán bộ, kỷ luật những người thiếu trách nhiệm, tưởng những trở ngại rất lớn, hàng năm sau mới giải quyết được hóa ra đơn giản, nhẹ nhàng, tiến độ được giải phóng. Một thí dụ, công trình đường sắt về cơ bản không phải vướng mắc về mặt bằng mà vướng mắc lại chính ở các nhà thầu với nhau. Để tránh tiếng, họ đổ cho thi công trong điều kiện giao thông nhốn nháo, chật chội. Đó là chiếc bong bóng xà phòng che đậy nguyên nhân thực chất. Nói một cách khác, đó là lý do giả để biện hộ cho việc đường sắt trên cao đến nay đã chậm tiến độ tới 3 tháng và chưa biết bao giờ mới hoàn thành.

Còn rất nhiều nguyên nhân nữa, như việc cấp vốn nhỏ giọt, việc thủ tục hành chính rườm rà, tiền lương còn thấp chưa làm cho người lao động phấn khởi… Nhưng mạnh dạn mà nghĩ, phải có bước đột phá, phải có người dám làm và dám chịu trách nhiệm mới có thể gỡ ra cái mớ bùng nhùng này.

Vũ Duy Thông