Cơ hội “soi” mình trong mắt học trò
Giáo dục - Ngày đăng : 07:01, 12/11/2013
Đâu là "thước đo" chuẩn?
Do chưa có quy định cụ thể về quy trình, cách thức, nội dung đánh giá cụ thể nên cũng như ở bậc ĐH, việc lấy ý kiến phản hồi của học sinh (HS) với thầy, cô giáo ở các trường phổ thông cũng mới chỉ được triển khai theo cách của từng trường. Cũng vì chưa có "thước đo" chuẩn nên việc xây dựng bộ công cụ để đánh giá đối với các trường là không đơn giản. Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa (Hà Nội) là trường có “thâm niên” trong việc tổ chức lấy ý kiến HS để bình chọn ra những giáo viên (GV) được HS yêu quý nhất trong năm học. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu trường mong muốn các thầy, cô phải tìm được "đường đến với trái tim học trò", phải thực sự là người bạn đồng hành với học trò trong học tập và cuộc sống. Thực tế, có những cô giáo đạt danh hiệu dạy giỏi song lại nhận được khá nhiều ý kiến góp ý của học trò. Vì vậy, đây là căn cứ để các thầy, cô cố gắng hoàn thiện mình, không chỉ bằng trau dồi chuyên môn mà còn phải bằng cả tấm lòng.
Xây dựng bộ công cụ thu thập ý kiến phản hồi của học sinh về các thầy, cô giáo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ảnh: Bảo Kha |
Tổng hợp kinh nghiệm thực tế của những đơn vị đã triển khai, đầu tháng 11 này, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã hoàn thiện và được Hội đồng khoa học cấp thành phố nghiệm thu đề tài "Xây dựng bộ công cụ thu thập ý kiến phản hồi của HS về các thầy, cô giáo ở trường THPT". Đây là bộ công cụ (gồm 20 câu trắc nghiệm khách quan và 1 câu hỏi mở) được đánh giá khá hoàn thiện, có khả năng đánh giá bao quát cả ba khía cạnh: Kiến thức, phương pháp và nền nếp của người thầy. Thầy giáo Phùng Hồng Cổn, chủ nhiệm đề tài cho biết, có những câu hỏi được cho là khá nhạy cảm, "đi thẳng vào vấn đề" đã được đề cập, như: HS phản biện (nói ngược lại với ý của thầy, cô) có được không? Giọng nói và cách diễn đạt của thầy, cô có bị ngọng, nhịu hay nhạt nhẽo, gây buồn ngủ hay không? Thầy, cô ra vào lớp có đúng giờ không? Cách ứng xử của thầy, cô với HS vi phạm kỷ luật có dễ dãi hay không? Thầy, cô có trù úm HS hay không?...
Điểm khác biệt của bộ công cụ này với nhiều nơi khác là có phần câu hỏi mở để HS bày tỏ suy nghĩ, cảm nhận và mong muốn đối với GV. Kết quả thu nhận có khá nhiều ý kiến đáng để thầy, cô phải suy ngẫm như: "Em thấy thầy dạy giống như là dạy để HS trở thành giáo sư vậy", "cô nên nhắc nhở nhẹ nhàng khi HS không làm được bài, đừng trừng mắt quát tháo…", "bài kiểm tra cô cho điểm gần như nhau nên chúng em không biết rõ thực lực của mình", "cô chưa lắng nghe hết ý kiến của toàn bộ HS mà chỉ nghe một nhóm"…
Cơ hội để giáo viên tự hoàn thiện mình
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, đây là đề tài mang tính thực tiễn cao, hỗ trợ GV tự hoàn thiện và góp ích nhiều cho công tác quản lý. Thay vì chỉ đánh giá GV qua thăm lớp, dự giờ, hiệu trưởng cần lắng nghe cả những cảm nhận từ phía HS - đối tượng mà GV tiếp xúc hằng ngày. Đây là kênh thông tin giúp hiệu trưởng nhìn nhận GV được bao quát, toàn diện hơn chứ không chỉ theo bằng cấp đào tạo. Việc này cũng khiến mỗi GV có cơ hội "soi" mình trong mắt học trò để ngày càng hoàn thiện hơn về mọi mặt. Đây cũng là khâu quan trọng để GV hoàn thiện, đáp ứng được với những điều chỉnh của chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 theo hướng chuyển từ trang bị kiến thức sang coi trọng phát triển năng lực toàn diện cho HS.
"Thay vì chỉ có một đôi mắt, tôi có đến 2 nghìn đôi mắt để nắm bắt mọi diễn biến của từng thầy, cô ở từng tiết dạy, từng hoạt động giáo dục", Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng Kiều Trung Tiến, người đã khuyến khích việc xây dựng, ứng dụng đề tài này chia sẻ. Dù chưa được công nhận là kênh đánh giá chính thống, nhưng thầy Tiến cho biết việc thu thập ý kiến phản hồi từ HS đã góp phần quan trọng trong việc sắp xếp, bố trí công việc cho GV tại trường. Đã có trường hợp GV phải chuyển sang vị trí khác, hoặc thôi đảm đương vị trí chủ nhiệm. Những phản hồi từ HS còn cho thấy những suy nghĩ, mong muốn ngày càng cụ thể và thẳng thắn hơn với thầy, cô như: "Cô đừng xức nước hoa quá đậm", "cô đừng dùng điện thoại hay làm việc riêng trong giờ"… Để học trò yên tâm, sẵn lòng bày tỏ, việc tổ chức thu thập phản hồi của HS với GV ở trường được thực hiện thông qua phần mềm tại phòng Tin học, mọi thông tin của HS được giữ bí mật.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc xây dựng bộ công cụ thu thập ý kiến phản hồi của HS về các thầy, cô giáo là cần thiết trong việc đánh giá GV hiện nay. Đây là kênh thông tin quan trọng đối với các cấp quản lý để xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ GV toàn ngành nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ trong giai đoạn đổi mới GD-ĐT theo hướng căn bản, toàn diện.
Dù sẽ còn phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, song đây được coi là sự khởi đầu, làm cơ sở cho việc tổ chức thu thập phản hồi của HS với GV tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố một cách thống nhất, khả thi và đem lại những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục.