Đã tiếp thu, hoàn chỉnh nhiều nội dung quan trọng

Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 12/11/2013

(HNM) - Ngày 18-11 tới, Quốc hội sẽ nghe Ban biên tập xây dựng sửa đổi Hiến pháp trình bày Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới nhất trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu QH.

- Thưa ông, trả lời phỏng vấn của Hànộimới trong kỳ họp QH trước, ông có nêu 8 nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần chỉnh sửa, đến nay những đề xuất đó có được tiếp thu?

- Rất mừng là Dự thảo đã tiếp thu đến 95% ý kiến đóng góp của tôi, khẳng định rõ hơn quan điểm: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, hoàn thiện hơn nữa mô hình tổ chức bộ máy nhà nước; đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân; tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện quyền lực…

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa trình QH đã dành hẳn một điều để khẳng định vai trò to lớn của công đoàn. Ảnh: Đàm Duy


- Vậy 5% nội dung kiến nghị của ông chưa được tiếp thu là gì?

- Điểm duy nhất tôi chưa bằng lòng là việc Dự thảo sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND”. Quy định như vậy dễ tạo ra cách hiểu là phân quyền, địa phương muốn làm gì thì làm. Theo từ điển, chính quyền địa phương là một thể hoàn chỉnh. Khơi dậy tính vươn lên của địa phương là việc nên làm nhưng cần lưu ý, ở nước ta quyền lực nhà nước là thống nhất, QH là cơ quan đại diện cao nhất. Không nên hiến định như Dự thảo vì sẽ tạo cớ cho địa phương muốn làm gì thì làm. Đơn cử, TP Hồ Chí Minh dù đóng góp 1/4 ngân sách nhà nước cũng không nên có quyền tự chủ trong mọi lĩnh vực. TƯ vẫn phải lãnh đạo, điều hành trong những trường hợp cần thiết, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh; những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, đối ngoại. Còn địa phương chỉ nên phát huy tính độc lập, tự chủ trong việc cân đối ngân sách, tự chịu trách nhiệm về việc thi hành pháp luật. Theo tôi, để bảo đảm chặt chẽ, cần quy định theo hướng: HĐND, UBND tổ chức ở 2 cấp, được thành lập để thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo luật định.

- Còn nhớ, thời điểm trả lời phỏng vấn, ông cũng cho rằng, chỉ nên ghi nhận vai trò của công đoàn như các tổ chức chính trị - xã hội khác trong Hiến pháp, nhưng Dự thảo vừa trình QH đầu tháng 11 lại dành hẳn một điều để khẳng định vai trò to lớn của tổ chức công đoàn. Ông nghĩ sao về điều này?

- Lúc đầu tôi không đồng ý vì tổ chức công đoàn chưa làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động. Có lúc, ở một số nơi, nhất là tại các công ty liên doanh 100% vốn nước ngoài, công đoàn còn đứng về phía chủ, vì “lợi ích nhóm”. Tới đây, công đoàn phải khắc phục hạn chế này, bảo đảm vai trò to lớn là chủ động tham gia và bảo vệ, tạo mọi điều kiện để công nhân, người lao động có quyền chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và được hưởng lợi xứng đáng với những đóng góp của mình khi tham gia các hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, công đoàn mới đáp ứng yêu cầu là tổ chức quần chúng rộng lớn, đại diện cho sức mạnh, tài năng, trí tuệ và lợi ích của công nhân, người lao động như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ghi nhận. Theo tôi, để làm được việc này, trước hết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ, cải tiến phương thức hoạt động.

- Qua thảo luận về cơ chế thu hồi đất trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các ý kiến phát biểu của đại biểu QH đều đồng tình với các thiết chế đặt ra, nhưng kiến nghị cần cụ thể hơn để tránh vận dụng tùy tiện. Ông có cùng quan điểm này?

- Đổ tội cho chính sách nhiều khi là oan. Thực ra, lâu nay cơ chế chính sách về đất đai khá chặt chẽ, kín kẽ. Chỉ có một số ít văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất. Tuy nhiên, tại không ít địa phương, cán bộ thi hành công vụ cố tình hiểu sai như, chủ tịch xã bán đất công, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện, trong khi không luật nào quy định như vậy. Vì vậy, quan trọng là tăng cường cơ chế giám sát. Cũng cần phải nói thêm rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định rõ giao đất ổn định lâu dài cho nhân dân là điểm rất tiến bộ. Khi đã giao ổn định lâu dài thì chỉ trong trường hợp vì lý do an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội… Nhà nước mới thu hồi đất. Lúc đó, người có đất sẽ được đối xử hoặc bồi thường như một người có chủ quyền trên mảnh đất của họ. Đây cũng là cơ sở để người dân yên tâm sản xuất, canh tác trên quy mô lớn.

- Riêng việc thu hồi đất để phục vụ các dự án kinh tế - xã hội, không ít ý kiến đề nghị áp dụng phương thức trưng mua nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Nhưng quan điểm này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo, theo ông là vì sao?

- Cần phải hiểu, để bảo đảm tính ổn định lâu dài, không nên quy định quá chi tiết các nội dung trong Hiến pháp. Muốn tránh được việc lợi dụng chủ trương thu hồi đất mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ, QH cần đặt ra những tiêu chí cụ thể và chặt chẽ, quy định rõ thế nào là đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nếu đã quy định rõ như vậy, không lo việc thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ tràn lan như hiện nay và tránh được tình trạng cán bộ thực thi công vụ lấy đất của người này trao cho người khác, khiến người dân khiếu kiện kéo dài.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong